DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tiền đặt cọc "chống trốn" trong xuất khẩu lao động

Với nhịp độ cuộc sống ngày nay, chúng ta không còn xa lạ tình trạng người lao động xuất khẩu ra nước ngoài với mong muốn cải thiện thêm thu nhập và đời sống. Song, có tồn tại lớn là không hiếm xảy ra trường hợp người lao động xuất khẩu làm việc theo hợp đồng lao động nhưng đã tự ý phá vỡ hợp đồng; họ bỏ việc, trốn việc rồi tìm kiếm một công việc khác ở nước ngoài có thu nhập cao hơn, điều kiện tốt hơn. Điều đó đã gây nên những thiệt hại không hề nhỏ cho doanh nghiệp sử dụng lao động (một bên của hợp đồng xuất khẩu lao động) khi mà điều đó cũng đã gián tiếp phá vỡ hợp đồng giữa bên doanh nghiệp sử dụng lao động và bên thuê lao động ở nước ngoài.

Và, để hạn chế tình trạng này thì pháp luật đã đưa ra quy chế pháp lý về “tiền ký quỹ ” hay nhiều người còn gọi với cái tên nêu rõ được bản chất hơn đó là “tiền đặc cọc chống trốn” như là một giải pháp và được các doanh nghiệp đưa người lao động ra ngoài áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Vậy, cụ thể quy chế về tiền ký quỹ trên được quy định như thế nào? Liệu người lao động có được quyền nhận lại khoản tiền này? Nếu có thì khi nào được quyền nhận lại?

Trên cơ sở phân tích các quy định pháp lý hiện hành liên quan, bài viết này sẽ trình bày rõ hơn và giải đáp một số thắc mắc nêu trên đối với vấn đề ký quỹ của người lao động xuất khẩu làm việc ở nước ngoài.  

Tại Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài 2006 có quy định về tiền ký quỹ của người lao động như sau:

Điều 23. Tiền ký quỹ của người lao động

1. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc ký quỹ theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của người lao động.

3. Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận với người lao động về việc nộp tiền ký quỹ; quy định thống nhất trong phạm vi cả nước mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận với người lao động về việc nộp tiền ký quỹ; chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động.

Chiếu theo quy định trên, pháp luật không quy định cụ thể khoản tiền đặt cọc này là bao nhiêu mà rõ ràng số tiền cụ thể sẽ phải phụ thuộc vào từng loại công việc khác nhau. Chính vì vậy, thực tế sẽ có sự khác biệt về khoản tiền ký quỹ tùy thuộc vào từng hợp đồng. Và hai bên (ngời lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động) sẽ cùng nhau thỏa thuận, ghi nhận cụ thể trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Tuy nhiên, pháp luật có đặt ra mức trần cho khoản tiền ký quỹ, và tùy thuộc vào từng quốc gia nơi người xuất khẩu lao động đến làm việc hay ngành nghề khác nhau mà theo đó mức trần cũng có sự khác biệt. Có thể lý giải xuất phát điểm pháp luật phải có sự điều chỉnh mức trần khoản tiền ký quỹ là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tránh trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu lao động lợi dụng bắt người lao động phải đóng mức ký quỹ quá “gắt gao”. Các bạn có thể tham khảo thêm mức trần khoản tiền kỹ quỹ trong xuất khẩu lao động tại Phụ lục trong Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH.

Có thể thấy, thực chất khoản tiền ký quỹ (khoản tiền đặt cọc chống trốn) là khoản tiền mà người lao động sẽ phải đóng cho công ty xuất khẩu lao động để nhằm đảm bảo thực hiện, tuân thủ đúng hợp đồng lao động đã ký kết; tránh tình trạng người lao động phá bỏ hợp đồng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc người lao động có nhận lại được khoản tiền ký quỹ đã nộp hay không là tùy thuộc vào từng trường hợp:

+ Trường hợp 1: Nếu người lao động tuân thủ đúng hợp đồng thì sau khi thanh lý hợp đồng và trở về nước, người lao động sẽ được nhận lại số tiền đặt cọc này; không chỉ có thế mà còn kèm theo số lãi trong thời gian làm việc. Tuy nhiên Luật lại không quy định mức lãi suốt là bao nhiêu hay căn cứ để tính mức lãi suất cho khoản tiền ký quỹ là gì???

+ Trường hợp 2: Nếu người lao động vi phạm hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ lấy khoản tiền đó bù đắp thiệt hại mà họ gây ra cho doanh nghiệp, nếu thiếu thì người lao động phải nộp bổ sung còn nếu thừa thì doanh nghiệp trả lại cho người lao động.

Như vậy, trong thời gian làm việc, người lao động phải chấp hành đúng thời hạn, nghĩa vụ và về nước đúng thời hạn thì người lao động sẽ nhận lại được khoản tiền ký quỹ đã đặt cọc trước đó.

Mặt khác, việc quản lý và sử dụng khoản tiền ký quỹ của người lao động theo hợp đồng xuất khẩu lao động phải tuân thủ đúng theo quy định tại Mục III Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN (quy định về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), cụ thể việc ký quỹ phải đáp ứng một số nguyên tắc sau:

1. Thực hiện ký quỹ

a) Tiền ký quỹ của người lao động phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chỉ được thực hiện sau khi người lao động ký hợp đồng này với doanh nghiệp và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa;

b) Thời hạn ký quỹ của người lao động tương ứng với thời hạn hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động;

c) Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tiền ký quỹ được doanh nghiệp mở tại ngân hàng. Trường hợp người lao động nộp tiền ký quỹ thông qua doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động và chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận tiền ký quỹ của người lao động, doanh nghiệp phải nộp toàn bộ số thu tiền ký quỹ vào tài khoản mở tại ngân hàng;

d) Ngân hàng hạch toán tiền ký quỹ của người lao động vào tài khoản “Tiền ký quỹ bằng đồng Việt Nam” theo tài khoản cấp III “Bảo đảm các thanh toán khác” và hạch toán chi tiết theo từng khách hàng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm hạch toán, theo dõi và quản lý tiền ký quỹ của từng người lao động.

 

TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ KHI DOANH NGHIỆP VI PHẠM

Nếu phái bên doanh nghiệp xuất khẩu lao động không thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm về khoản tiền ký quỹ cho người lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 33 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng):

3. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp dịch vụ do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

b) Thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định;

c) Không nộp bổ sung đủ, đúng hạn số tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định.

 

NGOẠI LỆ CHO “THỰC TẬP SINH KỸ NĂNG” TẠI NHẬT BẢN

Tồn tại một ngoại lệ đặc biệt trong mối quan hệ xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cụ thể, đối với trường hợp người lao động sang Nhật Bản làm việc, giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động – Y tế – Phúc lợi Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) hay còn gọi là xuất khẩu lao động chất lượng cao.

Theo đó, từ ngày 01-11-2017, doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản sẽ không được phép thu giữ tiền đặt cọc của thực tập sinh. Đồng thời, phải công khai các khoản thu phí để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam. Ngoài ra, một số giấy tờ thủ tục hành chính của Nhật Bản đối với người lao động sẽ được giảm bớt nhằm khắc phục những khó khăn vật chất cho những người lao động.

Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động – Y tế – Phúc lợi Nhật Bản

Có điều, sau khi đọc thông tin về Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Việt Nam và Nhật Bản về cam kết không thu tiền ký gửi (tiền đặt cọc chống trốn) của thực tập sinh kỹ năng khi qua Nhật làm việc (mình chỉ đọc được thông tin đại thể về Bản ghi nhớ trên tại website của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội chứ không có điều kiện tiếp cận trực tiếp nội dung Bản ghi nhớ) thì mình có thắc mắc lớn, đó là: Thực tập sinh kỹ năng (MOC) là lao động như thế nào? Đáp ứng điều kiện gì thì được xem là thực tập sinh kỹ năng? MOC có khác với lao động thường? Cứ là lao động Việt Nam xuất khẩu qua Nhật Bản làm việc là đều không phải đóng khoản ký quỹ đặt cọc hay phải phân loại thành thực tập sinh kỹ năng và lao động bình thường; trong đó, chỉ đối tượng là thực tập sinh kỹ năng mới được miễn???

Mình có tìm hiểu rồi nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời cho những thắc mắc trên.

Rất mong nhận được ý kiến giải đáp, bổ sung của mọi người để bài viết được chính xác và hoàn chỉnh hơn.! =))

  •  14030
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…