DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

THÔNG TƯ 70 VÀ NHỮNG CẤM CẢN KHÔNG ĐÁNG ĐỂ CƯỜI

Sau khi Thông tư số70/2011/TT-BCA (TT 70) được Bộ Công an ban hành ngày 10-10-2011 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS), Luật sư Phan Trung Hoài đã có bài viết (“Gỡ khó cho người bào chữa trong giai đoạn điều tra”) trên báo Pháp luật TPHCM với ý cho rằng Thông tư này có những điểm mới tiến bộ, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho luật sư (LS) trong việc tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ (NBTG), bị can bị tạm giam (BCBTG) trong giai đoạn điều tra. Tuy vậy, qua thực tiễn tham gia tố tụng, qua việc phân tích đánh giá nội dung các quy định của TT 70, có thể nhận thấy rằng TT này đã đẻ ra rất nhiều quy định góp phần vào việc cấm cản LS hành nghề và tạo ra những quy định dở khoc dở cười.  

Quy định chưa rõ về việc nhờ LS của NBTG, BCBTG

Điểm c, khoản 1, Điều 4, TT 70 quy định các trường hợp NBTG, BCBTG nhờ người bào chữa là LS. Theo đó, trường hợp NBTG, BCBTG nhờ đích danh LS thì trong 24 giờ từ khi viết giấy, Cơ quan điều tra (CQĐT) có trách nhiệm gửi giấy yêu cầu LS của NBTG, BCBTG cho LS mà họ nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh. Thế nhưng trên thực tế rất ít NBTG, BCBTG có thể thực hiện được điều này. Bởi lẽ, với đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa pháp lý người VN trên thực tế hiện nay thì không có nhiều người có thể biết tên một LS mà họ cần nhờ là gì, địa chỉ cụ thể ở đâu trong tình trạng bị giam, giữ. Do đó, phần lớn các trường hợp NBTG, BCBTG khi cần nhờ LS sẽ không chỉ được đích danh, địa chỉ của LS, nhưng TT 70 lại không có quy định đối với trường hợp này thì CQĐT sẽ làm gì để bảo đảm quyền được bào chữa của họ. TT 70 đã mang cho người bị giam, giữ mà biết chắc là họ khó mà thực hiện được quyền này.

Hơn nữa, trường hợp không chỉ được đích danh LS thì NBTG, BCBTG phải nhờ người thân liên hệ hay là phải làm gì để nhờ được LS? Nếu NBTG, BCBTG chỉ được đích danh LS cần nhờ nhưng trong tình trạng bị giam, giữ thì ai sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với LS để LS đồng ý tham gia bào chữa? NBTG, BCBTG không có người thân, không biết địa chỉ liên lạc với người thân để nhờ thì NBTG, BCBTG  phải làm gì để bảo đảm quyền được bào chữa của họ? Đồng thời, khi người thân được nhờ liên hệ, nhờ được LS rồi nhưng NBTG, BCBTG không đồng ý với LS mà họ nhờ thì giải quyết thế nào? Những quy định mù mờ của TT 70 chỉ tạo điều kiện thuận lợi để CQĐT, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam ... muốn làm thế nào thì làm mà không thấy quyền được bào chữa của NBTG, BCBTG ở đâu.

Không quy định trường hợp người thân nhờ LS cho NBTG, BCBTG

TT 70 không có quy định việc người thân nhờ LS cho NBTG, BCBTG, rồi sau đó làm thủ tục lấy ý kiến xác nhận của NBTG, BCBTG khiến cho khả năng nhờ được LS bào chữa của NBTG, BCBTG vô cùng gian khó. Bởi lẽ, với những quy định về việc NBTG, BCBTG tự mình nhờ LS bào chữa hoặc có văn bản nhờ người thân liên hệ LS như đã nói ở trên đều gặp phải những vướng mắc không thể giải quyết. Do đó, việc người thân nhờ LS rồi sau đó lấy ý kiến xác nhận của NBTG, BCBTG là một giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng thực hiện. Thế nhưng TT 70 đã bỏ qua, không quy định vấn đề rất tiến bộ này.

Đó là một bước thụt lùi so với tinh thần cải cách tư pháp rất đáng biểu dương của Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an thể hiện tại Công văn số 45/C16(P6) ngày 26-01-2007. Theo Công văn này thì trường hợp nhân thân của NBTG, BCBTG có đơn yêu cầu LS thì các đơn vị như Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, CQĐT cần hướng dẫn LS gửi đơn kèm theo các giấy tờ liên quan đến việc xin cấp GCNNBC đến cơ quan thụ lý vụ án. ĐTV thụ lý vụ án có trách nhiệm tiến hành ngay việc lấy ý kiến của NBTG, BCBTG về việc ��ồng ý hoặc từ chối mời LS để xem xét. Trường hợp đồng ý thì CQĐT phải khẩn trương xem xét để cấp GCNNBC cho LS theo đúng thời gian luật định (24h đối với NBTG, 3 ngày đối với BCBTG). Điều này tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho NBTG, BCBTG thực hiện được quyền nhờ LS bào chữa nhưng rất tiếc lại hoàn toàn không được đề cập tại TT 70.

Trong tiến trình cải cách tư pháp, việc đảm bảo trên thực tế quyền được bào chữa cho NBTG, BCBTG ngay từ giai đoạn điều tra là rất cần thiết. Tuy nhiên, TT 70 - một quy định được kỳ vọng là sẽ tháo gỡ những rào cản để NBTG, BCBTG có thể thực hiện được quyền được nhờ LS bào chữa của họ, thì trên thực tế lại là chướng ngại vật cản trở quyền đó. Không thể lấy việc mở rộng đường cho người không thể đi lại (NBTG, BCBTG) trong khi chặn đường của người có thể di chuyển (người thân của NBTG, BCBTG) để cho rằng TT 70 đã tháo gỡ, mở rộng khả năng đảm bảo quyền nhờ LS bào chữa của NBTG, BCBTG.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên Bộ Công an cần sớm có những sửa đổi, bổ sung TT 70 một cách phù hợp để góp phần bảo đảm quyền được bào chữa của NBTG, BCBTG trong vụ án hình sự được thực thi trên thực tế. Nếu không, cứ tiếp tục mang những quy định thắt chặt quyền được bào chữa vốn là quyền rất quan trọng và cần thiết trong một xã hội dân chủ, những người làm luật đang tạo nên những điều không đáng để cười chút nào dù nó rất ngây ngô nực cười.

LÊ CAO - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN   www.fdvn.vn

http://phapluattp.vn/20120311110621114p1063c1016/can-sua-doi-thong-tu-70-de-dam-bao-quyen-duoc-bao-chua.htm

  •  5994
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…