DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi Thẩm phán trong trường hợp tạm ngừng phiên tòa

 

HUỲNH MINH KHÁNH (TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - Trong một vụ án dân sự, sau khi HĐXX tạm ngừng phiên tòa thì bị đơn có đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán. Vấn đề đặt ra là HĐXX hay Chánh án có thẩm quyền thay đổi thẩm phán?

1. Tình huống pháp lý

TAND huyện C, tỉnh T đang thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Chính và bị đơn là ông Nguyễn Văn Thanh.

Trong quá trình trình thụ lý giải quyết vụ án nêu trên thì đến 29/11/2019, HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa vì ông Thanh đang khởi kiện đối với Công văn của UBND huyện C về việc cung cấp thông tin về nguồn gốc đất đang tranh chấp giữa hai bên.

Ngày 04/12/2019, ông Thanh nộp đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán đang trực tiếp giải quyết vụ án với lý do thẩm phán Nguyễn Văn D (thẩm phán này không có chức danh lãnh đạo tại Tòa án), không vô tư khách quan khi giải quyết vụ án, đã tạm ngừng phiên tòa không đúng quy định, lý do tạm ngừng phiên tòa là sai.

Từ tình huống pháp lý nêu trên, xuất hiện hai quan điểm khác nhau về xác định thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán của ông Thanh.

2. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán

Quan điểm thứ nhất: Yêu cầu thay đổi thẩm phán của ông Thanh nộp sau khi vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử với thành phần Hội đồng xét xử đã được thể hiện cụ thể thì xét về nguyên tắc thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án.

Hơn nữa, căn cứ vào khoản 1, Điều 56 của BLTTDS quy định: “Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định…” Thời điểm ông Thanh nộp đơn yêu cầu thay đổi là sau khi Tòa án đã mở phiên tòa và đang được tạm ngừng nên thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX.

Quan điểm thứ hai: Khoản 2 Điều 56 của BLTTDS năm 2015 đã quy định: “Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi…” Như vậy, Luật đã quy định thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán thuộc về HĐXX chỉ trong trường hợp “tại phiên tòa”. Trường hợp ông Thanh nộp đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán ngoài phiên tòa, khi vụ án đang được tạm ngừng thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Chánh án, không thuộc thẩm quyền của HĐXX.

Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai vì nếu trường hợp này giao thuộc thẩm quyền của HĐXX sẽ gây trùng lắp nhau về thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán. Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu thay đổi của ông Thanh và không chấp nhận yêu cầu thay đổi của ông Thanh thì đến khi vụ án được xét xử, tại phiên tòa ông Thanh vẫn được quyền tiếp tục yêu cầu thay đổi thẩm phán và HĐXX tiếp tục giải quyết yêu cầu này. Như vậy, trong cùng một yêu cầu nhưng HĐXX phải xem xét giải quyết 02 lần. Sẽ là hợp lý hơn, thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán của ông Thanh thuộc về Chánh án như phân tích trên thì sẽ không có sự trùng lắp về thẩm quyền.

Do đó, thiết nghĩ TANDTC cần hướng dẫn cụ thể vấn đề này theo hướng thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán chỉ thuộc về HĐXX khi yêu cầu đó được thể hiện “tại phiên tòa”; Ngược lại, “ngoài phiên tòa” thì thẩm quyền thuộc về Chánh án.

Trên đây là trao đổi của tác giả rất mong quý đồng nghiệp trao đổi, góp ý!

  Theo Tạp chí Tòa án

  •  2520
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…