DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tản mạn về chuyện làm từ thiện

Nếu có ai hỏi, từ thiện là gì? Tôi sẽ trả lời rằng: Từ thiện là việc làm nhằm sẻ chia bớt những khó khăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, và việc làm đó xuất phát từ tâm, từ trái tim và lòng nhân hậu giữa con người với con người, không vì mục đích vụ lợi.

Thế nhưng, câu trả lời đó chưa đủ để gọi là đúng vì việc làm đó cần phải đúng lúc, đúng chỗ.

Dễ thấy các hoạt động từ thiện đó ở các cổng chùa, nhà thờ, bệnh viện, côi nhi viện, hay sau các trận bão lụt hoặc các vụ như bé Hào Anh bị bạo hành, vụ Hiệp sĩ Tân Bình…và ngay cả trong văn bản pháp luật vẫn có các quy định này (quy định hỗ trợ người nghèo).

Mỗi nơi đều có mỗi cách từ thiện khác nhau, người phát cơm, cháo hay gạo, hay cho tiền, tặng tập sách bút….nhưng cũng như khái niệm trên kia tôi đã nêu, việc làm đó chưa đủ gọi là đúng, vì cần phải xem việc làm từ thiện đó đã đúng lúc, đúng chỗ chưa.

Làm từ thiện không đúng lúc, đúng chỗ dễ dẫn đến những hệ lụy cho xã hội mà đơn cử trong vụ bé Hào Anh có thể thấy.

Trích dẫn một đoạn tại trang News Zing:

Nổi tiếng khi có nhiều tiền

Vụ án vợ chồng Giang - Thơm hành hạ Hào Anh khép lại vào cuối năm 2010, mỗi bị cáo nhận 23 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác. Hai người làm công cho vợ chồng này tham gia hành hạ Hào Anh theo lệnh của chủ, mỗi người lĩnh 18 tháng tù.

Thấy ông bà chủ cũ nhận mức án thích đáng, Hào Anh không còn giận vợ chồng Giang - Thơm. Nhiều lúc, cậu còn tỏ ra tội nghiệp cho họ, vì Giang - Thơm vào tù, bỏ lại hai con còn nhỏ cho cha mẹ già nuôi dưỡng.

Cuối năm 2011, những người bảo bọc Hào Anh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau bắt đầu thấy cậu có sự đổi tính, tìm nhiều cách "quậy" để sớm được rời trung tâm. Khi đó, những người có trách nhiệm trong ngành thương binh xã hội rất muốn định hướng cho em một nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, thầy cô của Hào Anh bắt đầu thất vọng khi thấy cậu tự ý trốn khỏi trung tâm bảo trợ vào lúc 2h sáng và bỏ học nhiều ngày.

Sau khi mẹ Hào Anh nhất quyết xin cho con được về nhà, Trung tâm Bảo trợ xã hội Cà Mau đã đồng ý. Đầu năm 2012, người dân Cà Mau thấy cậu này giúp việc cho quán cà phê ở Cái Nước, rồi theo cha dượng học nghề thợ mộc. Làm việc gì cũng không được lâu, cuối năm ấy, Hào Anh qua phường 1, TP Cà Mau để làm bốc vác và sau đó bị tình nghi ăn trộm.

Hai tuần bị mọi người nhìn bằng ánh mắt khinh rẻ, ngày 12/4/2013, Hào Anh được cơ quan chức năng kết luận em không cùng 3 người tham gia trộm cắp tài sản. Một năm sau, Hào Anh đủ 18 tuổi và chính thức sở hữu tất cả số tiền mà các nhà hảo tâm giúp đỡ mình.

Trò chuyện cùng phóng viên khi nhận 152 triệu đồng tại Vũng Tàu, Hào Anh cho biết, sẽ mua dụng cụ cho tiệm hớt tóc trong tương lai, dành một ít tiền đi bệnh viện trồng răng và phẫu thuật thẩm mỹ lại khuôn mặt đầy thương tích. Tuy nhiên, Hào Anh đã bội tín, không làm được điều này.

Đối với số tiền gần 800 triệu đồng nhận đươc ở Cà Mau, Hào Anh mua đất, xây lại nhà tại chính căn trọ của gia đình mình. Tiền còn lại, cậu mua nhiều xe máy, hàng loạt điện thoại đắt tiền, tiêu xài hoang phí. Thanh niên này cũng được cho là cùng Thúy Duy (bị can trộm cắp tài sản tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) với những người bạn cùng trang lứa vào vũ trường uống rượu, dùng thuốc lắc.

Sau lần đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà, Hào Anh bị Công an phường 8 (TP Cà Mau) xử lý hành chính về hành vi Buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp. Đóng phạt 200.000 đồng xong, Hào Anh nhờ mẹ đòi lại 50 triệu đồng từng cho gia đình bạn gái mượn để cậu tiếp tục mua xe, cầm xe đi bar khi xài hết tiền và giục mẹ bán thửa đất cạnh nhà….

Câu chuyện này được chúng tôi những người đồng nghiệp đem ra bàn luận, một anh bạn trong số đó, cũng kể rằng, hồi trước có xảy ra bão lụt và người dân cả nước quyên góp ủng hộ tiền, quê anh cũng có một số gia đình được nhận tiền, lúc nhận cũng có chụp choẹt hình này nọ để xem là bằng chứng, người trao bảo người nhận đứng sụp chân xuống hơn nữa để lên tivi cho thấy cảnh bị lụt nghiêm trọng, trong khi nước ngập chỉ mới vượt qua mắt cá chân.

Hay tôi tình cờ nghe ba của mình kể về một anh trong cơ quan được lên sóng vì gia đình nghèo và được ủng hộ tiền, nhưng thực tế, trước khi lên tivi, nhà anh đó đã dọn các thứ tivi, máy giặt, tủ lạnh…qua nhà khác rồi, để lên tivi cho người ta thấy hoàn cảnh nghèo khó…

Trước đây, Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL buộc người thi người mẫu, người đẹp đạt giải phải làm công tác từ thiện trong vòng  02 năm kể từ ngày đạt giải, sau bị dư luận lên án thì nội dung Thông tư này đã bị bãi bỏ theo Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL.

Và hàng loạt các chế độ chính sách ưu đãi cho người nghèo cũng là một cách làm từ thiện của Nhà nước hiện nay, nhưng sao, nhiều hộ vẫn cứ muốn mình nghèo hoài?! Có phải là để nhận hỗ trợ, trợ cấp từ ngân sách nhà nước không?

Dẫu biết rằng, từ thiện là hoạt động thể hiện tính nhân văn, nhân đạo giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa của người Việt nên không cần phải có quy định nào ràng buộc, thế nhưng, nếu cứ từ thiện theo kiểu phong trào, mù quáng thì người nghèo, người tốt trong những câu chuyện cổ tích mà bạn vẫn được nghe xưa kia sẽ trở thành người có rất nhiều, người xấu (vì nhiều tiền rồi thì không cần phải làm việc để có tiền và kết quả là “nhàn cư vi bất thiện”)

  •  30320
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…