DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tại sao lại là Bộ ?

Tại sao lại là bộ?
23:28' 7/8/2011

Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức thông tư được các bộ ban hành hoặc đang soạn thảo để ban hành. Đáng nói ở đây là trong số đó có không ít thông tư hoặc dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh. Liệu điều này có ổn?

Theo Luật Doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà pháp luật quy định doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh một ngành, nghề cụ thể nào đó(*). Cũng theo Luật Doanh nghiệp, chỉ có Chính phủ (và đương nhiên cả Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) mới có quyền quy định về ngành nghề có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Để ngăn chặn sự tùy tiện, gây phương hại tới quyền tự do kinh doanh, luật quy định rất rõ rằng “bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”(**).

Có ý kiến cho rằng nếu “căn” đúng theo Luật Doanh nghiệp thì rất nhiều thông tư hoặc dự thảo thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ đều chứa đựng các quy phạm về điều kiện kinh doanh. Có thể nêu một số ví dụ cụ thể: - Thông tư 09/2010/TT-NHNN ngày 26-3-2010 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần. Tại thông tư này, NHNN đã đặt ra hàng loạt điều kiện đối với kinh doanh ngân hàng dưới hình thức cổ phần như: phải có tối thiểu 100 cổ đông tham gia; cổ đông sáng lập phải có đủ khả năng tài chính, nếu là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỉ đồng... Đáng nói là ở phần căn cứ ban hành, NHNN viện dẫn cả Luật Doanh nghiệp 2005 mà không hề để ý rằng Luật Doanh nghiệp không cho phép bộ, ngành được quyền quy định về điều kiện kinh doanh. Mặc dù Thông tư 09 vừa mất hiệu lực bởi Luật các tổ chức tín dụng 2010 nhưng rõ ràng đây là vấn đề cần được xem xét vì sắp tới NHNN còn phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực thi đạo luật trên.

- Thông tư 28/2008/TT-BTC ngày 3-4-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn “việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế”. Nói nôm na, đây là một văn bản quy định điều kiện đối với nghề “khai thuế”. Cụ thể, như đối với tổ chức đại lý thuế thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký thuế; danh sách nhân viên; chứng chỉ hành nghề... Đối với nhân viên đại lý thuế thì phải đảm bảo điều kiện: là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép sinh sống và làm việc tại Việt Nam; có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trung thực, có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Tổng cục Thuế cấp... Lạ thay là ở phần căn cứ ban hành, Bộ Tài chính cũng viện dẫn cả Luật Doanh nghiệp 2005!

- Thông tư 72/2007/TT-BTC ngày 27-6-2007 của Bộ Tài chính “hướng dẫn đăng ký và quản lý hành nghề kế toán”. Dù để hướng dẫn nhưng thực chất trong văn bản này Bộ Tài chính đã đặt ra những điều kiện kinh doanh mang tính bắt buộc đối với nghề dịch vụ kế toán. Chẳng hạn, đối với cá nhân thì phải có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết; chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp; văn phòng và địa chỉ giao dịch; đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán. Hoặc đối với doanh nghiệp: có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán; có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp; giám đốc doanh nghiệp phải là người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên...

- Dự thảo thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định điều kiện tham gia thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình. Theo đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh nghề thẩm định, thẩm tra công trình xây dựng thì phải: có tối thiểu bảy người có đủ năng lực hành nghề tư vấn; đã thực hiện tư vấn thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình cùng lĩnh vực tối thiểu một dự án nhóm A, hoặc hai dự án từ nhóm B trở lên; phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập đối với tổ chức không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

- Dự thảo thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về mua bán hàng hóa quốc tế (xuất, nhập khẩu) trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Ví dụ như muốn xuất khẩu gỗ cá nhân, doanh nghiệp phải có: đơn đề nghị cấp phép; bản sao chụp hợp lệ hợp đồng giao kết thương mại; hồ sơ chứng minh mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp... Hoặc nếu là nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp thì phải có: đơn đăng ký xuất khẩu, nhập khẩu; lý lịch giống xin xuất khẩu, nhập khẩu; hợp đồng mua bán giống hoặc giấy cho tặng giống của đối tác...

Như vậy, việc các bộ, ngành tự đặt ra các điều kiện kinh doanh như trên rõ ràng là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều này thực sự gây quan ngại cho nỗ lực cải cách hành chính, trong đó có việc cắt giảm số lượng giấy phép “con” và các thủ tục gây phiền hà khác. Tuy nhiên, ở đây lại phát sinh một điểm đáng bàn. Đó là trong một số trường hợp chính Quốc hội cũng tự mâu thuẫn khi ban hành các đạo luật chuyên ngành, trong đó có điều khoản giao cho các cơ quan cấp dưới Chính phủ được quyền “xé rào”. Ví dụ, tại Luật các tổ chức tín dụng, Quốc hội giao nhiệm vụ cho NHNN quy định về “điều kiện cấp giấy phép đối với ngân hàng, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô”. Dĩ nhiên, Quốc hội đã giao thì các cơ quan phải làm. Mà làm thì vi phạm Luật Doanh nghiệp! Xử lý sao đây?

Nguyên Tấn
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam

__________

(*) Khoản 2, điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005 (**) Khoản 5, điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005

  •  10834
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…