DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Soạn thảo đơn, các Luật sư hãy... coi chừng

Soạn thảo đơn, các Luật sư hãy... coi chừng

Đọc được đọc nội dung bản án này, chắc hẳn nhiều Luật sư sẽ phải “giật mình” và không khỏi “run tay” khi soạn thảo đơn thư cho khách hàng.

Như PLVN đã đưa tin, chiều 21/11, HĐXX TAND huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên phạt bị cáo Ngô Quang Anh (40 tuổi, nguyên là Công chứng viên Văn phòng công chứng Mỹ Đình) 15 tháng tù, phạt bị cáo Hoàng Đình Trọng (40 tuổi, nguyên là Luật sư Văn phòng Luật sư PGVN) 12 tháng tù và tuyên phạt bị cáo Vũ Tiến Phùng (61 tuổi, hưu trí) 6 tháng tù treo.

Trước đó, những người này làm đơn tố cáo ông Lê Xuân Trường - Bí thư Huyện ủy Từ Liêm - có hành vi "bảo kê" cho việc xây nhà trái phép tại địa phương. Tuy việc xây nhà trái phép là có thật nhưng những người tố cáo ông Trường vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống ông Trường.

Bị hại chưa một lần nào làm việc với CQĐT

Cũng như trong 2 ngày xét xử, buổi tuyên án hôm 21/11 vẫn vắng mặt bị hại - ông Lê Xuân Trường, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, cũng như đại diện theo ủy quyền của ông Trường - ông Đặng Minh Tân, Chánh Văn phòng Huyện ủy Từ Liêm. Tuy việc ủy quyền không có công chứng theo quy định (chỉ có chữ ký dưới tên Lê Xuân Trường trong đơn đề nghị khởi tố vụ án) nhưng HĐXX vẫn chấp nhận và cho rằng: “Ông Tân thực hiện đúng theo nội dung ủy quyền và ông Trường không có ý kiến thay đổi về nội dụng ủy quyền”.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã đề nghị CQĐT Công an huyện Từ Liêm “rút kinh nghiệm” vì có thiếu sót khi không lấy lời khai của ông Trường bất cứ một lần nào (đây là vụ án “khởi tố theo yêu cầu bị hại”).

Nội dung bản án một lần nữa cho thấy sự “bó tay” của cơ quan chức năng huyện Từ Liêm khi không thể tìm ra tung tích của những đối tượng đã xây dựng trái phép căn nhà trên 100m2 tại khu đất quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh (mặt đường Lê Đức Thọ), tuy ngày 7/5/2011, Công an huyện Từ Liêm đã nhận được đơn của 13 công dân tố cáo việc xây dựng nhà trái phép tại thôn Phú Mỹ (xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) có sự “bảo kê” của ông Trường.

Xác định đây là “tin tố giác tội phạm” nên Công an huyện Từ Liêm đã “vào cuộc” để xác minh về hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai và đến Văn phòng luật sư PGVN (địa chỉ đề trên phong bì) để làm việc.

Trong khi vi phạm về đất đai chưa được xác định rõ thì CQĐT lại nhận tiếp đơn của ông Trường đề nghị xử lý những người có đơn vu khống mình. Ít ngày sau, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 người soạn thảo và 1 người ký đơn về tội “Vu khống” được ban hành, trong khi vụ vi phạm về quản lý đất đai thì không được CQĐT khởi tố để tiếp tục điều tra xác minh. Vụ việc này chỉ “gói gọn” ở cấp xã khi UBND xã Mỹ Đình lập biên bản và ra quyết định xử lý cưỡng chế phá dỡ căn nhà xây trái phép “vô thừa nhận” nêu trên.

Phải chăng, việc tìm ra những đối tượng xây nhà trái phép là vượt quá khả năng của Công an huyện Từ Liêm? Việc truy tìm dấu vết của những đối tượng này quá khó khăn?

Người soạn đơn chịu trách nhiệm cao hơn người ký đơn?

Thừa nhận Quang Anh và Trọng không ký vào đơn tố cáo việc xây nhà trái phép có sự bảo kê của ông Trường nhưng HĐXX cho rằng Quang Anh là người khởi xướng và soạn thảo đơn; bị cáo Trọng là người sửa đơn rồi bảo nhân viên VPCC in, phô tô thành nhiều bản, đưa bị cáo Phùng và những người dân khác ký tên rồi đóng phong bì, gửi các cơ quan.

Bản án nhận định: “Quang Anh không biết ông Trường là ai, không có căn cứ cho rằng ông Trường bảo kê cho xã hội đen cướp đất nhưng vẫn soạn thảo đơn tố cáo. Bị cáo Trọng không có căn cứ gì cũng chỉnh sửa đơn này. Đây là hành vi loan truyền thông tin bịa đặt đối với ông Trường”. Ngoài ra, do Tòa nhận định: “Ông Trường là người có chức vụ lãnh đạo về Đảng cao nhất tại địa phương, được giao nhiệm vụ lãnh đạo trên các lĩnh vực” nên các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 122 (phạm tội “đối với người thi hành công vụ”).

Tuy quy kết các hành vi của bị cáo như trên nhưng đã không thấy HĐXX đề cập đến quy định nào buộc những người giúp công dân soạn thảo đơn tố cáo phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh nội dung đơn mà mình đã soạn thảo? Và nếu người soạn đơn không cung cấp được chứng cứ thì họ sẽ bị xử lý về tội “Vu khống”?

Nhiều Luật sư biết được nội dung bản án này chắc hẳn sẽ phải “giật mình” và không khỏi “run tay” khi soạn thảo đơn thư cho khách hàng.

Mâu thuẫn về “bức thư xin lỗi”

Tại phần xét hỏi, cả hai bị cáo đều khai rằng, “thư xin lỗi ông Trường” do Điều tra viên (ĐTV) Tuấn soạn sẵn và đưa cho bị cáo ký khi họ bị tạm giữ tại Công an huyện Từ Liêm vào ngày 16/5 với lời dụ “để ông Trường đỡ giận”.

Nhân chứng Loan cũng khai rằng: “Trong thời gian Quang Anh và Trọng đang bị tạm giữ, tôi được ĐTV Tuấn đưa mấy lá thư xin lỗi và bảo đóng phong bì gửi một số nơi. Tôi đã làm theo chỉ dẫn của anh Tuấn. Trong tập thư xin lỗi này, anh Tuấn còn kẹp nhầm 1 biên bản ghi lời khai. Tôi đã trả anh Tuấn bản gốc và cung cấp cho Luật sư bản phô tô để chứng minh việc anh Tuấn đưa tập thư xin lỗi của bị cáo cho tôi”.

Tuy nhiên, tại bản án thì HĐXX vẫn coi “thư xin lỗi” trên đây là một chứng cứ để kết tội các bị cáo vì cho rằng Quang Anh và Trọng đã tự soạn thảo thư xin lỗi tại quán café vào ngày 12/5/2011. Đầu đơn ghi “Hà Nội ngày 12/5/2011” (chứ không phải là ký ngày 16/5 tại nhà tạm giữ như lời khai của bị cáo và nhân chứng). Nhưng điều khó hiểu ở chỗ, không hiểu thư này đã đến Công an huyện Từ Liêm bằng cách nào mà “phong bì không thấy có tem và không có dấu ngày, tháng của Bưu điện”

Khoa Lâm

  •  11084
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…