DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nghề Luật Sư: Thời Buổi Nay!

Bài luận về nghề Luật sư .

Nếu nghề Bác Sĩ là nghề chuyên chữa bệnh cho con người thì nghề Luật sư là nghề góp phần chữa bệnh cho xã hội.

Nghề luật sư được cho là tiêu biểu nhất và thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của nghề luật. Nghề luật sư không giống như những nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì người luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Luật sư là những người được trọng vọng trong xã hội bởi họ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân và phát triển xã hội. 

Thứ nhất, nghề luật sư là một nghề tự do. Nghề luật sư trước hết hình thành từ nhu cầu, yêu cầu minh oan, bảo vệ cho bạn bè hoặc người thân thuộc bị nhà cầm quyền giam giữ hay bị trừng phạt một cách độc đoán, vô cớ Hoạt động này do người có trình độ, uy tín, lòng trắc ẩn, vị tha, hào hiệp và tự nguyện đứng ra thực hiện. Dần dần nó phát triển thành một nghề tự do có điều lệ, có quy chế do Nhà nước quy định hoặc thừa nhận.

Đây là nghề tự do bởi người hành nghề cũng như các tổ chức hành nghề không phải các tổ chức Nhà nước, không phải là cán bộ, công chức của Nhà nước. Người và tổ chức hành nghề hoạt động trong một chuyên môn và với một loại hình đặc biệt dịch vụ pháp lý. Đây cũng là nghề có chức năng xã hội là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ hai: Đó là việc cung cấp các dịch vụ pháp lý. Tham gia tố tụng để bào chữa cho các bị can, bị cáo, bảo vệ cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự, làm người đại diện hoặc bảo vệ cho các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính.Tư vấn pháp luật; tư vấn giao dịch và hợp đồng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức. Làm đại diện ngoài tố tụng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng.

Thứ ba: Nghề luật sư là nghề góp phần tích cực duy trì công lý và bảo vệ pháp luật. Về duy trì công lý, Luật sư tham gia góp phần bảo vệ và giải phóng con người vì tự do của con người, vì các giá trị tự nhiên và phẩm chất xã hội của con người trên cơ sở tôn trọng chân lý khách quan, dựa vào các quy luật tự nhiên xã hội, dựa vào lợi ích của cộng đồng, của dân tộc và vì hoà bình trên thế giới. Về bảo vệ pháp luật Tôn trọng và tuân thủ pháp luật, góp phần tuyên truyền pháp luật, hướng cho mọi người thực hiện các hành vi ứng xử trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chống mọi biểu hiện vi phạm pháp luật.

Thứ tư: nghề luật sư là nghề liên quan đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của cá nhân, tổ chức. Các hoạt động của luật sư trước hết hướng tới bảo vệ các giá trị vật chất và tinh thần của Nhà nước lợi ích của dân tộc, tránh mọi biểu hiện xâm phạm độc lập, chủ quyền, tự do và an ninh của Nhà nước, chống mọi biểu hiện và hành vi xâm phạm đến tài sản của Nhà nước cũng như luôn luôn bảo vệ các giá trị Quốc thể.  Cá hoạt động nghề nghiệp của luật sư là bảo vệ các quyền, lợi ích chân chính của mọi công dân, cá nhân như tài sản, danh dự, nhân phẩm… Ngoài ra Hoạt động của luật sư cũng liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức đặc biệt là các doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần khác nhau trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ năm: Nghề luật sư là nghề cao quý bởi hàm chứa những mục đích và phẩm chất cao đẹp đòi hỏi có trình độ và năng lực cao, có văn hoá và đạo đức trong sáng.

 Về mục đích: Mọi hoạt động hành nghề của luật sư hướng tới bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để trở thành một Luật sư giỏi, ngoài những kiến thức pháp lý (luật nội dung- luật hình thức), người Luật sư còn cần phải có những kỹ năng nghề nghiệp vững chắc.

Những yêu cầu thiết yếu mà tôi nghĩ nếu muốn trở thành một luật sư giỏi sẽ cần phải có các yếu tố sau đây:

Đạo đức nghề nghiệp:

Là một luật sư nói riêng và người làm trong lĩnh vực pháp luật nói chung thì nhất thiết bạn phải có đạo đức - chính trị tốt, luôn trung thành với sự thật. Người ta vẫn ví những người làm trong lĩnh vực tư pháp là những người có thể đổi trắng thay đen, biến một người có tội nặng thành tội nhẹ, tội nhẹ thành vô tội và ngược lại. Cũng có câu ví luật sư như những con rắn có cái lưỡi không xương uốn éo sẵn sàng giối trá. Câu nói này xuất phát từ hiện tượng có không ít người đã vì lợi ích cá nhân mà dám bóp méo sự thật. Những người như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ bị pháp luật trừng trị. Nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp, tuy nhiên nghề luật là nghề cần thiết hơn cả. Sự trung thực với sự thật, trung thành với luật pháp của những người luật sư sẽ góp phần làm cho xã hội trong sạch hơn.

Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề:

Người ta vẫn thường hay gọi luật sư là các thầy cãi cũng bởi nghề luật là nghề nói, nghề cãi. Vì vậy kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng thuyết phục, diễn giải vấn đề 1 cách khúc chiết luôn là những kỹ năng quan trọng nhất. Hãy thử tưởng tượng xem, trong 1 phiên tòa mà vị luật sư cứ nói ấp a ấp úng, diễn đạt lủng củng, không rành mạch… thì liệu thân chủ của anh ta có bao nhiêu phần trăm thắng cuộc? Để có được những kỹ năng này, bạn cần phải chịu khó rèn luyện ngay từ bây giờ. Hãy tập nói 1 mình trước gương hay cùng 1 vài người bạn tập hợp lại để tranh luận về một vấn đề cùng quan tâm. Bạn cũng có thể tham gia các khóa học về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Một điều nữa là trước khi diễn thuyết, bạn nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề mình sẽ nói, lên dàn bài cho nội dung mình sẽ nói.
Tư duy phân tích, tổng hợp, phán đoán, và tư duy logic:

Sự cần thiết của một luật sư đó là: cần phân tích các hành vi xảy ra trong vụ kiện, sau đó xâu chuỗi tất cả những hành vi này thành một hệ thống, thấy đâu là nguyên nhân, là điều cốt lõi của vụ kiện hay là một cánh cửa mở để đi theo nó mà thu thập thông tin tiếp. Tất cả những sự tư duy này luôn phải đảm bảo nguyên tắc logic chứ không thể đem cách suy nghĩ cảm tính vào được. Sự hiểu biết về tâm lý con người nói chung và tâm lý tội phạm nói riêng cũng sẽ giúp cho những luật sư dễ dàng tìm ra nguyên nhân của những hành vi phạm tội.

 Ngoại ngữ.

Bên cạnh những điều kiện, kỹ năng trên, tôi luôn cân nhắc mình phải học ngoại ngữ thật tốt, để có thể làm việc tốt trong thời đại hội nhập ngày nay. Nếu bạn là một luật sự giỏi, bạn hoàn toàn có thể tham gia vào các vụ kiện tụng mang tính chất quốc tế hay các vụ kiện tụng có sự tham gia của người nước ngoài ở ViệtNam. Những vụ như vậy sẽ đem lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm cũng như một khoản thù lao không nhỏ đó. Do  đó tôi sẽ không ngừng cố gắng trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Tôi không muốn rào cản ngôn ngữ mà hạn chế khả năng, cơ hội của mình.

        Với ý kiến chủ quan của tôi,  dù là nam hay nữ, khi đã đến với nghề luật sư thì hầu hết họ có khuynh hướng đam mê công việc của mình thêm mỗi ngày. Ai cũng thừa nhận rằng: Nghề luật sư phải đóng rất nhiều vai. Và chính từ thực tiễn nghề nghiệp đó đã mang lại cho họ một cách xử sự khôn ngoan trong cuộc sống. Bên cạnh những giá trị về vật chất từ nghề nghiệp mang lại, họ còn học cho mình được những bài học về nhân đức, về lương tâm nghề nghiệp, về phong thái, phong cách và giá trị của bản thân mình. Dù có đi theo con đường để trở thành một nữ luật sư hay không, tôi vẫn luôn nhớ rằng “chẳng phải nghề nghiệp tạo danh dự cho con người, mà chính con người tạo danh dự cho nghề nghiệp”. Nghề luật sư cũng giống như bất kỳ nghề nào khác, khó tránh khỏi sự cạnh tranh trong nghề. Có thể một luật sư tài ba, chưa chắc đã có nhiều thân chủ. Một luật sư giỏi chưa chắc đã tranh tụng hiệu quả hơn các luật sư chưa giỏi. Cũng như một số nghề, đôi khi nhờ mối quan hệ rộng, khả năng ngoại giao, cách thu hút dư luận, kinh nghiệm cuộc sống .. lại tạo cho người luật sư có nhiều cơ hội hơn cho việc hành nghề. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những yếu tố tiền đề.

Thời đại "Thế giới phẳng" hôm nay, các thân chủ không đi tìm chúng ta như những luật sư chỉ định; do vậy giá trị cốt lõi quyết định để bạn có nhiều khách hàng hơn vẫn nằm ở đạo đức, kỹ năng và kinh nghiệm làm nghề. Có người bảo luật sư bây giờ có "chiêu" nhờ báo viết bài, tự lăng-xê bằng facebook để có nhiều thân chủ, lôi kéo được khách hàng... thì tôi tuyệt nhiên không tin vào điều này vì có hành nghề thực sự bạn mới hiểu những giá trị của luật sư không gì quảng cáo được ngoài sự quảng cáo của chính thân chủ cho chúng ta. Nếu quảng cáo, lăng-xê mà không đúng thực tế khách quan phản ánh về đạo đức, kỹ năng của người luật sư đó thì lại còn phương hại ngàn lần. Cũng giống như nghề giáo, chỉ có đánh giá của học sinh mới có ý nghĩa nhất với người làm thầy. Đứng trên bục giảng, bạn có thể nói mình là tiến sỹ, giáo sư hay phó giao sư nhưng những học hàm, học vị ấy chứa đựng đủ đầy trong bài giảng của bạn chưa? Thế nên mới có khái niệm "hữu danh vô thực, hữu thực vô danh" là vậy!

.Trong nghề Luật sư, sự cạnh tranh đôi khi còn trở nên khắc nghiệt hơn nhiều nghề khác. Đâu đó, đồng nghiệp nói xấu nhau, đơm đặt, bày trò, bôi nhọ, hạ giá thù lao, tranh thủ bên lề hội nghị/hội thảo để truyền tin, thậm chí không biết bao nhiêu chiêu trò tiểu xảo để hại nhau. Có những người còn "gài" cả khách hàng để "bẫy" đồng nghiệp, sao cho "ra lông ra vết" cốt để cho họ bị kỷ luật, thu Thẻ, khai trừ...Người ta cứ ra rả câu nói cửa miệng xây dựng đội ngũ, mái nhà chung, tập hợp lực lượng cho đông đảo nhưng phía sau chỉ muốn đồng nghiệp nào nằm chết để ta được đứng lên!
      

Dưới góc độ là một nữ sinh viên luật vừa kết thúc năm thứ 3 của đời sinh viên tôi không tham vọng bản thân mình có thể làm được những việc lớn lao, nhưng với lần thực tập đầu tiên trong đời, lần đầu tiên được biết đến môi trường làm việc đầy sự chuyên nghiệp của các anh chị luật sư công ty luật Việt Kim, Tôi mong muốn mình có thể lĩnh hội được thật nhiều kinh nghiệm và kiến thức ngoài sách vở mà trên ghế  giảng đường tôi không  có cơ hội học được.

     Công Ty Luật TNHH Việt Kim  Hà Nội                                                                                                                    

  •  4892
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…