DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Luật báo chí 2016

Đến nay, Luật báo chí 1989 đã đi vào thực tiễn hơn 25 năm, quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được điều chỉnh. Vì thế, Luật báo chí 2016 vừa được dự thảo xong và đang nhận ý kiến đóng góp. Theo đó, Luật này có một số điểm mới sau:

1. Làm rõ nghĩa các từ ngữ được sử dụng trong Luật như báo chí, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí…

2. Nhà nước có những chính sách để hỗ trợ ngành báo chí, trong đó tạo lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí từ nguồn NSNN, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.

3. Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí

* Nghiêm cấm việc thông tin trên báo chí những nội dung sau đây:

- Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, khủng bố, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

- Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định. 

- Thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.       

* Nghiêm cấm thực hiện các hành vi:

- Hoạt động báo chí không có giấy phép; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép được cấp.

- Làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn các loại giấy phép, Thẻ nhà báo.

- In, phát hành sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; phát sóng nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; đăng, phát nội dung đã bị gỡ bỏ trên báo chí điện tử.

- Nhập khẩu sản phẩm báo chí có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

4. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng.

5. Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí

- Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).

- Các tổ chức khác của nhà nước do Chính phủ quy định.

6. Mở rộng loại hình hoạt động của cơ quan báo chí

Cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí (báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử) và tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

7. Điều kiện hoạt động báo chí

- Xác định rõ loại hình báo chí xin phép hoạt động; xác định tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm; tên và biểu tượng kênh chương trình phát thanh, truyền hình; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử; tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; phạm vi phát hành chủ yếu (đối với báo in); chương trình, thời gian, thời lượng, phạm vi phát sóng,  phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử)

- Có người có đủ tiêu chuẩn chính trị, nghiệp vụ, đạo đức để đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí, Tổng biên tập.

- Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm  hoạt động của cơ quan báo chí.

- Có trụ sở, có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất 01 tên miền .vn đã đăng ký phù hợp với tên báo chí; đối với báo nói, báo hình phải có kênh tần số vô tuyến điện.

- Phù hợp với quy hoạch báo chí toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Giấy phép hoạt động báo chí

- Cơ quan, tổ chức đủ điều kiện trên có nhu cầu thành lập cơ quan báo chí gửi hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

- Trong trường hợp không cấp giấy phép thì chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải trả lời bằng văn bản, nói rõ lý do.

- Sau khi được cấp giấy phép hoạt động báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ra quyết định thành lập cơ quan báo chí và hoàn thành các thủ tục cần thiết khác theo quy định của pháp luật để hoạt động báo chí.

Ngoài ra, Luật này cũng quy định các nội dung về Hiệu lực Giấy phép hoạt động báo chí, nghề nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí…Xem chi tiết tại đây.

  •  20803
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…