DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự

 

CHU XUÂN MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) - Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm cũng là một loại quyết định có thể bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tuy nhiên, loại quyết định này có đặc trưng là không đưa ra những quyết định giải quyết nội dung vụ án mà chỉ là quyết định việc dừng lại, không tiếp tục xét xử nữa. Chỉ là quyết định dừng lại nhưng là dừng lại ở giai đoạn phúc thẩm.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là dừng lại ở giai đoạn phúc thẩm đó, nhưng trước đó đã có một bản án sơ thẩm giải quyết các vấn đề nội dung của vụ án. Do đó, quyết định đình chỉ  xét xử phúc thẩm có một liên quan đặc biệt với bản án sơ thẩm, đặt ra trong thực tiễn những vướng mắc  khi phát hiện một trong hai đối tượng này có sai lầm thì có cần và có thể  phải hủy bỏ cả hai đối tượng hay chỉ cần hủy một đối tượng.

Trong thực tiễn xét xử đang có hai loại kháng  nghị, có kháng nghị cả với quyết định phúc thẩm dù quyết định này được nhận định là không sai, có kháng nghị chỉ kháng nghị bản án sơ thẩm mà không kháng nghị quyết định phúc thẩm. Phạm vi kháng nghị sẽ liên quan đến cả thẩm quyền kháng nghị và thẩm quyền, quyền hạn xét xử giám đốc thẩm.

Ví dụ: Bản án sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh, Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án cấp cao. Nếu kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với quyết định phúc thẩm thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới có quyền kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới có quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu chỉ kháng  nghị với bản án sơ thẩm thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng  Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cũng có quyền kháng nghị, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao có quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

1. Đặc trưng của Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Theo quy định tại khoản 2 Điều 289 thì “Bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu  lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Từ quy định của Điều 289, mẫu Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Mẫu số 70/DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017) cũng có điểm 2 của phần Quyết định là:

“Bản án dân sự sơ thẩm số: …   / …  /…-St ngày…tháng…năm…của Tòa án nhân dân…………………..có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định này”.

Như nêu ở trên thì nội dung của Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không chỉ có việc tuyên bố dừng lại việc xét xử mà còn có một tuyên bố quan trọng là tuyên bố “Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật”. Khi chưa có Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thì Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không phải là một quyết định giải quyết nội dung vụ án nhưng lại làm cho bản án sơ thẩm  là một phán quyết về nội dung vụ án có hiệu lục. Đó là mối quan hệ đặc biệt giữa Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm , cũng từ đó mà có những nhận thức khác nhau về kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với trường hợp có Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

2.     Những quan điểm khác nhau về kháng nghị giám đốc thẩm , tái thẩm đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm

2.1.Về kháng nghị

2.1.1.Trường hợp Bản án sơ thẩm không sai nhưng Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có dấu hiệu sai.

Đó là trường hợp Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đã có những vi phạm thuộc một trong những căn cứ quy định tại  khoản 1 Điều 326 BLTTDS (Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm) hoặc một trong những căn cứ quy định tại Điều 352 BLTTDS (Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm). Ví dụ: Chưa có tống đạt hợp lệ cho người kháng cáo nhưng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo không đến phiên tòa. Đây là trường hợp có thể kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Quan điểm thứ nhất cho rằng phải kháng nghị quyết định phúc thẩm dù cho Bản án sơ thẩm không sai vì đương sự bị mất quyền tham gia cả giai đoạn tố tụng phúc thẩm là một vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có thể làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền dân sự của họ.

Quan điểm thứ hai cho rằng không cần kháng nghị quyết định phúc thẩm vì có giải quyết lại thì cũng không thay đổi về nội dung phán quyết, không thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự của các đương sự.

2.1.2.Trường hợp Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không sai nhưng Bản án sơ thẩm có dấu hiệu sai.

Đây là trường hợp đã phát hiện Bản án sơ thẩm có những vi phạm thuộc một trong những căn cứ quy định tại Điều 326 hoặc Điều 352 BLTTDS nhưng Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không có dấu hiệu sai.

Quan điểm thứ nhất cho rằng:

Dù quyết định phúc thẩm không sai thì quyết định này đã làm cho Bản án sơ thẩm trở thành có hiệu lực. Do vậy, muốn kháng nghị đối với bản án sơ thẩm thì phải kháng nghị cả Quyết định phúc thẩm; không thể để tồn tại một quyết định có nội dung “Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật” trong khi lại đồng thời giải quyết sơ thẩm lại.

Trong trường hợp kháng nghị cả Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và Bản án sơ thẩm thì thẩm quyền kháng nghị là của Chánh án hoặc Viện trưởng trên một cấp so với cấp ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và thẩm quyền xét xử cũng tương ứng . Trong trường hợp này, do quyết định phúc thẩm không sai nên các bản quyết định kháng nghị và  quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm  đều thường có đoạn: Tuy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không sai nhưng cần phải kháng nghị (hoặc hủy) đối với Bản án sơ thẩm nên cần phải kháng nghị (hoặc hủy) đối với cả Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Quan điểm thứ hai cho rằng:

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không sai nên không có cơ sở pháp lý để kháng nghị (không  thuộc trường hợp nào của Điều 326, Điều 352 BLTTDS). Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm  tồn tại không cản trở việc kháng nghị đối với Bản án sơ thẩm mà chính việc Quyết định phúc thẩm tồn tại mới làm cho Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật nên mới là đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Khi Bản án sơ thẩm đã bị kháng nghị đúng thẩm quyền thì nó sẽ được xem xét lại của cấp có thẩm quyền (Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm; sau đó là Tòa án được giao giải quyết lại), không còn tồn tại một Bản án sơ thẩm có hiệu lực độc lập như lo ngại của quan điểm thứ nhất.

Trong trường hợp chỉ kháng nghị Bản án sơ thẩm thì chính Chánh án của Tòa án đã ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (Tòa án cấp cao) có thể kháng nghị giám đốc thẩm ,tái thẩm; và chính Tòa án cấp đã ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (Tòa án cấp cao) có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

2.1.3.Trường hợp cả Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và  Bản án sơ thẩm dều có dấu hiệu sai.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đã sai là phải kháng nghị. Trong trường hợp này chỉ có thể kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nhưng sẽ nhận xét và đề nghị hủy cả Bản án sơ thẩm khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tuy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có sai nhưng sai hay đúng cũng không cản trở việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Bản án sơ thẩm nên chỉ cần kháng nghị Bản án sơ thẩm.

2.2.Về quyền hạn xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp chỉ kháng nghị đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền hủy Bản án sơ thẩm hay không.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chỉ kháng nghị đối với quyết định phúc thẩm thì chỉ có thể hủy quyết định phúc thẩm để giao xét xử phúc thẩm chứ không thể hủy cả bản án sơ thẩm vì  đương sự chưa được tham gia xét xử phúc thẩm.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Phạm vi xét xử giám đốc thẩm là gồm cả phần “có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị” (khoản 1 Điều 342 BLTTDS). Đã phát hiện Bản án sơ thẩm có sai lầm mà việc khắc phục phải là xét xử lại (như đã bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc bỏ sót yêu cầu của đương sự) thì giao xét xử phúc thẩm lại là không hợp lý, kéo dài việc giải quyết vụ án không cần thiết. Mặt khác, hủy cả Bản án sơ thẩm trong trường hợp này không trái với quy định nào của pháp luật tố tụng dân sự. Do đó, xét thấy có căn cứ thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có thể hủy cả Bản án sơ thẩm , giao xét xử sơ thẩm lại đối với trường hợp chỉ có kháng nghị đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

3.Nhận xét và đề xuất

Bản chất kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là mở ra một môi trường tố tụng đủ để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Quy định hiện hành về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đã có một sửa đổi quan trọng đối với những vi phạm về tố tụng. Theo quy định của BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì một trong những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm là “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” (khoản 2 Điều 283). Theo quy định của BLTTDS hiện hành thì phải là: “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật” (điểm b khoản 1 Điều 326).

Với quy định mới như trên, phải chăng trong mọi trường hợp không cần phải kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (?). Để tránh việc tùy tiện đình chỉ xét xử phúc thẩm không đúng quy định của pháp luật, vẫn cần xác định phải kháng nghị giám đốc thẩm đối với những quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm sai (trường hợp nêu ở tiểu mục 2.1.1 và tiểu mục 2.1.3).

Riêng đối với trường hợp Quyết định phúc thẩm không sai nhưng Bản án sơ thẩm có dấu hiệu sai (trường hợp nêu ở tiểu mục 2.1.2) thì tác giả bài viết này đề nghị hướng dẫn theo quan điểm thứ hai, tức là chỉ kháng nghị đối với Bản án sơ thẩm.

Về quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm: Trong trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, đề nghị hướng dẫn quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền hủy Bản án sơ thẩm nếu thấy cần giải quyết sơ thẩm lại; không đòi hỏi phải giao phúc thẩm lại trong mọi trường hợp.

Những đề xuất trên đây đề nghị được hướng dẫn áp dụng cho các tình huống tố tụng tương tự như quyết định đình chỉ  giải quyết phúc thẩm việc dân sự, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

  •  2815
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…