DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hướng dẫn thi hành án hành chính trong 5 trường hợp cụ thể

Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Dự thảo Nghị định quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cụ thể:

1. Đối với trường hợp không chấp nhận yêu cầu khởi kiện

- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri mà quyết định đó chưa được thi hành hoặc mới thi hành được một phần thì các bên đương sự phải tiếp tục thi hành quyết định đó.

- Trường hợp hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính.

- Cơ quan hành chính có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để thi hành quyết định hành chính có hiệu lực theo quy định pháp luật.

Việc thi hành quyết giải quyết vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo quy định tại Điều 121 của Luật cạnh tranh và các quy định của Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh.

2. Đối với trường hợp đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan hành chính đã ban hành quyết định hành chính phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định pháp luật.

Việc khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp đã được thi hành theo quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo quy định pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về dân sự và các quy định pháp luật liên quan đến nội dung quyết định cạnh tranh đã được thi hành.

- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà phần quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan hành chính đã ban hành quyết định đó phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục phần quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan đến nội dung bị hủy. Việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp được thực hiện theo quy định trên.

Các bên có trách nhiệm thi hành phần không bị tuyên hủy trong bản án, quyết định của Tòa án theo quy định như đối với trường hợp không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đã nêu.

3. Đối với trường hợp đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc

- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải nhận người bị buộc thôi việc trở lại làm việc theo quy định của pháp luật về công chức.

- Cơ quan phải thi hành án phải mời người bị buộc thôi việc trở lại làm việc, lập biên bản về việc tiếp nhận trở lại làm việc; Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào biên bản.

Sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án của Tòa án mà người phải thi hành án vẫn không tiếp nhận người bị buộc thôi việc trở lại làm việc, cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu các bên đến trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự để lập biên bản ghi nhận sự việc.

Biên bản nêu rõ lý do không thi hành án, ghi nhận ý kiến của các bên, vướng mắc, khó khăn để làm cơ sở xử lý trách nhiệm. Trường hợp một trong các bên vắng mặt không có lý do chính đáng, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn lập biên bản để làm căn cứ xử lý trách nhiệm.

- Trường hợp hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính; đồng thời kiến nghị Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án và xem xét xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án theo quy định.

4. Đối với hành vi hành chính

- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Việc đình chỉ thực hiện hành vi hành chính phải được lập biên bản, có sự tham gia của các đương sự; Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào biên bản.

Người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự lập biên bản về việc người phải thi hành án vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trái pháp luật sau khi đã bị Tòa án tuyên là trái pháp luật.

Thủ trưởng cơ quan của người thực hiện hành vi hành chính đó phải chịu trách nhiệm yêu cầu đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó theo đúng bản án, quyết định của Tòa án.

Người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính; đề nghị cơ quan chức năng buộc dừng ngay hành vi trái pháp luật; đồng thời đề nghị Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án và xem xét xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án, Thủ trương cơ quan của người phải thi hành án theo quy định của Nghị định này.

- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự lập biên bản về việc người phải thi hành án vẫn không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng cơ quan của người không thực hiện hành vi hành chính đó phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó theo đúng bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính; đồng thời đề nghị Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án và xem xét xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của người phải thi hành án theo quy định.

5. Đối với trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

- Thủ trưởng cơ quan phải thi hành án phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện ngay việc tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính; không thực hiện hoặc phải thực hiện hành vi nhất định theo đúng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Việc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được lập biên bản, có sự tham gia của các đương sự; Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào biên bản. Người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự lập biên bản về việc người phải thi hành án không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

- Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan chức năng buộc dừng ngay hành vi trái pháp luật; đồng thời đề nghị Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án và xem xét xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của người phải thi hành án theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định này cũng hướng dẫn các biện pháp xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính. Trong đó, đối với công chức thi hành án sẽ có 6 hình thức là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức và buộc thôi việc.

Đặc biệt là đối với công chức thi hành án hành chính có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với người được thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án sẽ chịu hình thức xử lý khiển trách.

Còn đối với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải thi hành án vi phạm thì tùy mức độ xử lý, từ phạt vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự kèm trách nhiệm vật chất.

Mời các bạn xem chi tiết tại Dự thảo Nghị định quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án tại file đính kèm.

  •  9869
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…