DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hướng dẫn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2015

Năm 2015 sắp khép lại, cũng là thời điểm để các bạn chuẩn bị các thủ tục cần thiết thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Chính sách thuế mỗi năm mỗi sửa đổi, vậy đâu là hướng dẫn chi tiết và chính xác nhất để thực hiện thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2015? Sau đây, Dân Luật sẽ hướng dẫn chi tiết thực hiện cho các bạn.

>>> Tài liệu Quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2015 do Cục thuế tỉnh An Giang biên soạn

1. Văn bản áp dụng:

Đối với thuế TNCN năm 2015 thì việc quyết toán sẽ thực hiện theo các văn bản sau:

- Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007

- Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012

- Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014

- Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân 

- Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về thuế

- Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế

- Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP

- Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế 

- Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế 

- Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân …

- Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý ...

- Thông tư 128/2014/TT-BTC hướng dẫn việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2015

2. Đối tượng phải thực hiện quyết toán thuế TNCN:

Đối tượng thực hiện quyết toán thuế TNCN bao gồm 2 nhóm: tổ chức, cá nhân trả thu nhập và cá nhân có thu nhập, trong đó:

2.1 Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN sẽ phải làm quyết toán thuế cho phần thu nhập đã chi trả (không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không) và làm quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có ủy quyền (theo điểm c khoản 1 điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC).

Trường hợp không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

2.2 Các cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ phải làm tờ khai quyết toán thuế TNCN nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế/bù trừ thuế trừ trường hợp (theo điều 12 Thông tư 151/2014/TT-BTC): 

- Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một đơn vị có thêm thu nhập vãng lai mà bình quân không quá 10 triệu đồng/tháng, đã khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. 

- Phần thu nhập của cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm.

Riêng với các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh đã nộp thuế TNCN theo hình thức khoán và nộp theo từng lần phát sinh sẽ không phải làm quyết toán thuế.

Đối với các cá nhân, hộ kinh doanh này thì từ 20/11 đến ngày 15/12 cơ quan thuế sẽ phát tờ khai thuế của năm 2016 để thực hiện kê khai doanh thu tính thuế khoán của năm 2016. 

2.3 NLĐ trong 3 trường hợp sau thì sẽ được ủy quyền cho NSDLĐ thực hiện quyết toán thuế TNCN thay cho mình:

- NLĐ chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một NSDLĐ và thực tế đang làm việc cho NSDLĐ đó tại thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.

- NLĐ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một NSDLĐ và có thêm thu nhập vãng lai mà bình quân không quá 10 triệu đồng/tháng, đã khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% và không yêu cầu quyết toán phần thu nhập vãng lai này.

- NLĐ được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm NLĐ có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho NLĐ (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho NLĐ.

Giấy ủy quyền quyết toán thuế sẽ thực hiện theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Công văn 7850/CT-TNCN hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2014 thì các trường hợp sau sẽ không được ủy quyền quyết toán thuế TNCN thay:

- NLĐ thuộc các trường hợp nêu trên nhưng đã được cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN (trừ trường hợp chứng từ khấu trừ thuế đã bị thu hồi và hủy).

- Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%.

- NLĐ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ ba tháng trở lên tại một NSDLĐ, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).

Trường hợp NLĐ đã ủy quyền quyết toán thuế và NSDLĐ đã quyết toán thay cho cá nhân, nếu phát hiện NLĐ không thuộc diện được ủy quyền thì NSDLĐ không điều chỉnh lại quyết toán mà chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho NLĐ theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để NLĐ trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế. 

3. Thu nhập chịu thuế - Thu nhập tính thuế

3.1  Thu nhập chịu thuế

Thực hiện xác định theo điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và các sửa đổi tại Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC. Về cơ bản thì việc xác định thu nhập chịu thuế này thực hiện như những năm trước, có bổ sung thêm 1 số khoản thu nhập được loại trừ khỏi thu nhập chịu thuế, cụ thể:

- Trợ cấp một lần đối với người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc (theo khoản 1 điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

- Các khoản chi phí dịch vụ khác đi kèm với nhà ở do NSDLĐ xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp (theo khoản 2 điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC). Cần lưu ý là các khoản chi phí dịch vụ này sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế nếu NSDLĐ trả hộ cho NLĐ đối với nhà ở thuê ngoài (không phải do NSDLĐ tự xây dựng và cung cấp miễn phí cho NLĐ).

- Các khoản tiền mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm. Các loại bảo hiểm này gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), ... mà theo đó NLĐ sẽ nhận được khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả mà không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm (theo khoản 3 điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

- Chi phí đưa đón NLĐ đi làm từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại theo quy chế của công ty, không phân biệt khoản tiền cho cả tập thể hay chỉ chi riêng cho từng cá nhân (theo khoản 4 điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

- Khoản tiền đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình NLĐ theo quy định của NSDLĐ và không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của NSDLĐ (theo khoản 5 điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

Ngoài ra, về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế thì NLĐ và NSDLĐ có thể xem ở Công văn 1381/TCT-TNCN năm 2014 để xác định.
Lưu ý: Nếu NLĐ nhận thu nhập không bao gồm thuế TNCN thì sẽ phải quy đổi thành thu nhập có thuế TNCN được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 4, Điều 7, Thông tư 111/2013/TT-BTC.

3.2  Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế bình quân tháng được xác định bằng tổng thu nhập cả năm (12 tháng) trừ (-) tổng các khoản giảm trừ của cả năm sau đó chia cho 12 tháng.

3.3 Các khoản giảm trừ

- Giảm trừ gia cảnh: đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh thì từ năm 2015 sẽ không tính giảm trừ gia cảnh, thay vào đó mức thuế suất thuế TNCN sẽ áp dụng theo mức thuế tuyệt đối trên tổng doanh thu. Đây là một điểm thay đổi rất quan trọng mà người nộp thuế cần phải biết.

Đối với phần thu nhập từ tiền công, tiền lương thì vẫn áp dụng mức giảm trừ như năm cũ, theo đó:

Giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 9 triệu/tháng, tức là 108 triệu/năm

Giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu/người/tháng.

Đối với người phụ thuộc thì thời điểm bắt đầu tính giảm trừ được tính từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng (tuy nhiên người nộp thuế phải có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vào thời điểm quyết toán thuế; đối với các đối tượng là cá nhân không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng như anh ruột, chị ruột, em ruột, Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột, cháu ruột của người nộp thuế thì hồ sơ đăng ký giảm trừ phải được thực hiện trước ngày 31/12).

3.4 Thuế suất

Áp dụng theo bảng thuế lũy tiến tại điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm
(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng
(triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35


3.5 Miễn giảm thuế TNCN

Đối với các cá nhân làm việc ở khu kinh tế thì sẽ được giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhận trong khu kinh tế theo quy định của Thông tư 128/2014/TT-BTC hướng dẫn việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại Khu kinh tế

4. Hồ sơ quyết toán thuế TNCN – Nơi nộp hồ sơ

4.1 Hồ sơ Quyết toán thuế TNCN

Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN hồ sơ quyết toán thuế sẽ thực hiện theo mẫu tờ khai số 05/QTT-TNCN, các bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN, 05-2/BK-QTT-TNCN, 05-3/BK-QTT-TNCN ban hành kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Đối với cá nhân có thu nhập thuộc diện phải làm quyết toán thì hồ sơ quyết toán thuế sẽ thực hiện theo mẫu tờ khai số 02/QTT-TNCN, bảng kê 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC. NSDLĐ khi quyết toán thay NLĐ cũng sẽ dùng các mẫu này. 

4.2 Nơi nộp hồ sơ

Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập: hồ sơ quyết toán thuế sẽ nộp ở cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Riêng với cơ quan Trung ương; cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; cơ quan cấp tỉnh nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế nơi đóng trụ sở chính; đối với cơ quan thuộc, trực thuộc UBND cấp huyện; cơ quan cấp huyện nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính.

Đối với Tổ chức trả thu nhập là các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính. (theo điểm c khoản 1 điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC).

Đối với cá nhân có thu nhập phải trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan thuế thì hồ sơ sẽ nộp ở Cục Thuế nơi cá nhân nộp hồ sơ khai thuế trong năm. Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế thì nơi nộp hồ sơ như sau:

- Nếu đã đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại đơn vị nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị đó. Nếu có thay đổi nơi làm việc và tại đơn vị làm việc cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý đơn vị trả thu nhập cuối cùng. Trường hợp có thay đổi nơi làm việc mà tại đơn vị làm việc cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

- Nếu chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất cứ đơn vị nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cư trú.

- Nếu không ký HĐLĐ, hoặc ký HĐLĐ dưới ba tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cư trú.

- Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại đơn vị nào thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi cư trú.(Theo điểm c2.1 khoản 2 điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC và nội dung sửa đổi ở điểm b Khoản 4 Điều 1 Thông tư 119/2014/TT-BTC). 

Trường hợp NLĐ đã ủy quyền quyết toán thuế và NSDLĐ đã quyết toán thay cho cá nhân, nếu phát hiện NLĐ không thuộc diện được ủy quyền thì NSDLĐ không điều chỉnh lại quyết toán mà chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho NLĐ theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để NLĐ trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế. 

4.3 Thời hạn nộp hồ sơ

Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN của năm 2015 nếu không có việc gia hạn nào sẽ là ngày 31/3/2016 (chín mươi ngày kể từ ngày kết thúc năm 2015).

4.4 Hoàn thuế

Việc hoàn thuế TNCN lưu ý là chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã có mã số thuế tại thời điểm đề nghị hoàn thuế.
Đối với NLĐ đã ủy quyền quyết toán thuế cho NSDLĐ thì việc hoàn thuế sẽ do NSDLĐ thực hiện.NSDLĐ sẽ thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của NLĐ. 
Sau khi bù trừ, nếu còn số thuế nộp thừa thì NSDLĐ được bù trừ vào kỳ sau hoặc được hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả; hồ sơ hoàn thuế của NSDLĐ trong trường hợp này bao gồm: 

- Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT (ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC). 

- Bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế TNCN và người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân trả thu nhập ký cam kết chịu trách nhiệm tại bản chụp đó. 
Đối với cá nhân khai quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế. Để được hoàn thuế hoặc bù trừ thuế thì cá nhân không phải nộp hồ sơ hoàn thuế mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [47] - “Số thuế hoàn trả vào tài khoản NNT” hoặc chỉ tiêu [49] - “Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau” tại tờ khai quyết toán thuế số 02/QTT-TNCN khi quyết toán thuế.”

Ngoài ra, mọi vướng mắc về thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2015 các bạn có thể đặt câu hỏi tại đây để được các thành viên Dân Luật hỗ trợ nhé. 

  •  74250
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…