DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Học sinh, giáo viên đã quỳ gối: Dư luận đừng tiếp tục bắt phụ huynh phải quỳ gối xin lỗi

Dư luận vẫn đang rất xôn xao về vụ cô giáo B.T.C.N, tại Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, phải quỳ suốt 40 phút trước mặt 3 phụ huynh. Vụ này chiếm sóng hầu hết các trang báo, thu hút cả những người thuộc giới Luật sư tham gia bày tỏ quan điểm mặc dù vụ việc này chỉ liên quan đến mảng giáo dục nhưng mức độ tác động của nó đã vượt khỏi phạm vi ngành.

Sở dĩ vụ này càng ngày càng trở nên rầm rộ vì vốn dĩ giáo dục là một lĩnh vực đề cao giá trị văn hóa, đạo đức hơn nữa trong số những phụ huynh tham gia có cả một đảng viên, cán bộ tư pháp của một xã và có thời gian tập sự luật sư tại văn phòng luật sư T., huyện Bến Lức, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM (thông tin này chưa được kiểm chứng).

Vậy trong vụ việc này, ai đúng, ai sai, tôi xin phép bày tỏ quan điểm của mình.

Trước tiên, tôi sẽ đề cập đến hành vi bắt học sinh phải quỳ của cô giáo

Như chúng ta đã biết, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục tiểu học phải tuân thủ quy định tại Điều 28 Luật giáo dục 2005 (đã được sửa đổi năm 2009)

Điều 28. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông

1…Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật.

2. Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.

Tại Điều 15 cũng nêu rõ vai trò của nhà giáo

Điều 15. Vai trò và trách nhiệm của nhà giáo

Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.

Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học.

Có thể nói, dưới góc độ lập pháp, nhà làm luật đã ban hành những quy định mang tính chất khung, điều tiết hành vi của những người tham gia vào mối quan hệ xã hội – dạy  và học. Qua đó thể hiện sự kỳ vọng của xã hội về một tương lai tốt đẹp cho con trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Phương pháp giáo dục đối với từng nhóm tuổi, từng lớp học, từng học sinh là vô cùng khác nhau, nó muôn hình vạn trạng, các giáo viên ngành sư phạm cũng đã được đào tạo bài bản về những phương pháp này. Tuy vậy, vẫn không thể nào có một phương pháp chuẩn, phương pháp tối ưu cho tất cả, đặc biệt là giáo dục lứa tuổi tiểu học, khi các em vẫn còn ham chơi và vô tư, chưa ý thức được rõ nghĩa vụ học tập của mình.

Mặc dù có đến hàng ngàn, hàng vạn phương pháp nhưng dù là phương pháp nào cũng phải đảm bảo yêu cầu đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”, làm được điều đó phương pháp được áp dụng mới được xem là hiệu quả thực sự. Đối chiếu với yêu cầu này có thể thấy, việc cô giáo phạt học sinh bằng phương pháp quỳ không phải là một phương pháp hay, điều đó đã được chứng minh là nhiều học sinh đã bỏ học, không muốn hoặc không dám tới lớp vì sợ bị cô giáo phạt quỳ khi vi phạm. Rõ ràng không những không đảm bảo được yêu cầu về phương pháp dạy học mà nó còn đem lại một hậu quả hoàn toàn trái ngược, học sinh mất hứng thú học tập.

Tôi cho rằng nguyên nhân cô giáo bắt học sinh quỳ không nằm ngoài mục tiêu giáo dục các em để các em có thể phát triển đúng đắn về đạo đức, trí tuệ như mục tiêu mà Điều 27 Luật giáo dục 2005 đã đề ra “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. Chỉ có điều cô giáo này đã thực hiện mục tiêu đúng đắn bằng một phương pháp sai, thậm chí là có thể nói đã trở nên lỗi thời, lạc hậu với sự phát triển thời đại.

Tiếp theo tôi sẽ nói về hành vi bắt cô giáo quỳ của các phụ huynh

Cô giáo bắt học sinh quỳ vì muốn học sinh sẽ ngoan hơn, tốt hơn trong tương lai. Vậy phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ vì mục đích gì? Sẽ có rất nhiều lý do mà chúng ta có thể nghĩ ra để giải thích cho việc làm trên. Có thể họ hành động như vậy đơn giản chỉ muốn thể hiện mình là người có tiếng nói, có quyền nên ép cô giáo phải quỳ để hả cơn giận, cố tình làm nhục cô giáo ấy giữa đông nơi đông người. Cũng có thể họ ép cô giáo quỳ là để cho cô giáo ấy hiểu được nỗi đau khi quỳ mà con họ đã phải chịu, từ đó mà thay đổi phương pháp dạy. Hay cũng có thể đơn giản họ muốn cho cô giáo ấy một bài học là không phải giáo viên thì muốn làm gì làm, học sinh có thể không giám phản kháng nhưng phụ huynh thì lại không, họ muốn chứng minh con của họ không đơn độc trong môi trường giáo dục này v.v…

Nhưng cho dù vì mục đích cuối cùng là gì đi nữa thì xuất phát đầu tiên chính là hành vi thương và xót con mình khi phải gánh chịu hình phạt từ đó muốn làm một điều gì đó để môi trường giáo dục trở nên tốt hơn cho con em của mình và của người khác (làm cho cô giáo nhận ra lỗi sai của mình mà không tái phạm nữa).

Mặc dù vậy, cho dù xuất phát từ tình cảm thiêng liêng là lòng yêu con trẻ, những phụ huynh này cũng không thể phủ nhận cách họ làm là hoàn toàn sai. Nếu cô giáo kia dựa trên quyền lực của một nhà giáo thay mặt nhà trường giáo dục các em bắt các em phải quỳ thì các phụ huynh học sinh lại dựa trên sức mạnh số đông (3 người, có cả nam lẫn nữ) cộng với vị trí xã hội hiện tại mà mình có để buộc kẻ yếu thế hơn phải quỳ xin lỗi. Cách làm này có tốt hơn cách mà cô giáo đã làm với học sinh không? nếu không muốn nói nó hoàn toàn giống nhau về bản chất lấy mạnh hiếp yếu. Một lần nữa các phụ huynh cũng mắc phải một cái lỗi mà cô giáo đã mắc phải, mục đích tốt đẹp nhưng cách làm lại sai.

Cuối cùng là tôi muốn nói đến hành động của các vị (dư luận xã hội)

Hẳn là chúng ta ai cũng bức xúc trước hành động một nhóm người bắt một cô giáo phải quỳ trước đông đảo những thành phần có mặt bao gồm có cả các bạn đồng nghiệp, các vị quản lý của nhà trường thậm chí là trước mặt của những em học sinh mà hàng ngày mình vẫn dạy dỗ.  Việc làm này lại càng trở nên xấu xí khi nghề nhà giáo là một nghề cao quý và thế giới đang tôn vinh ngày phụ nữ (ngày 8/3). Thậm chí nổi bức xúc này lấn áp cả bức xúc ban đầu là cô giáo bắt học sinh phải quỳ đến nỗi em học sinh đó không dám tới lớp học nữa. Dần dần mũi dùi dư luận lại chĩa vào 3 phụ huynh. Đến lúc này mới thấy 3 vị phụ huynh hùng dũng khi nào nay trở nên quá nhỏ bé trước búa rìu dư luận. Các phụ huynh họ đã sai cũng như lỗi sai của cô giáo và cũng như lỗi sai của em học sinh bị phạt. Vậy cách mà chúng ta đang làm có khác với cách của cô giáo, có khác cách của các vị phụ huynh, có phải đang sử dụng quyền của kẻ mạnh hơn để bắt kẻ yếu phải phục tùng?

Đọc một lượt comment trên các trang báo điện tử phía cuối các bài viết có liên quan đến vụ việc này. Hầu như đa số mọi người đều tỏ thái độ bức xúc và đòi truy tố các vị phụ huynh kia về tội Làm nhục người khác, chưa bàn đến góc độ luật pháp rằng hành động của các phụ huynh có đảm bảo thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội phạm hay không, nhưng rõ ràng hành động của chúng ta đang gây ra những sức ép không đáng có và nó đi ngược lại với sự tiến bộ của lập pháp hình sự.

Hệ thống pháp luật hình sự đang theo xu hướng hạn chế áp dụng án tử hình và loại bỏ tối đa việc tội phạm hóa (hình sự hóa những hành vi chỉ ở mức xử phạt hành chính). Trong khi đó ngay từ đầu chúng ta đã nghĩ đến ngay đến việc sử dụng Bộ Luật hình sự (biện pháp mang tính chất trừng trị và răn đe cao nhất) để áp dụng đối với các vị phụ huynh kia. Trong khi đó, hành vi trên vẫn có thể áp dụng biện pháp xử  lý khác nhẹ nhàng hơn như xử phạt hành chính hay thực hiện việc hòa giải bồi thường thiệt hại, nhưng những cách giải quyết đó hoàn toàn không nằm trong suy nghĩ của quý vị. Cũng như việc có nhiều cách để em học sinh kia chăm học hơn mà không phải dùng phương pháp bạo lực bắt phải quỳ, có nhiều cách để cô giáo kia biết được lỗi sai của mình mà không bắt phải quỳ và hoàn toàn có nhiều cách để các vị phụ huynh kia biết lỗi mà không phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Suy nghĩ và cách hành xử của quý vị có gì là khác biệt?

Vậy ai là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất trong vụ này?

Tôi có thể trả lời ngay không phải là quý vị (dư luận xã hội), cũng không phải là các vị phụ huynh, cũng chẳng phải cô giáo kia hay uy tín của hệ thống ngành giáo dục của Việt Nam mà chính là các em học sinh đã và đang theo học lớp cô giáo đó, trường đó và mở rộng hơn là học sinh nói chung (nếu biết được thông tin qua các phương tiện truyền thông hay do chính quý vị nói ra với con của mình – những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ).

Tại sao tôi dám khẳng định như vậy? Đơn giản vì tôi biết dưới góc nhìn của một đứa trẻ, bài học duy nhất mà nó có thể rút ra từ việc này là sức mạnh thuộc về người có quyền, nghĩa vụ học tập của nó không phải do nó tự quyết định mà do thầy cô, ba mẹ, thậm chí là xã hội lo giùm việc của nó. Nếu tôi là đứa trẻ bị cô giáo phạt tôi sẽ nghĩ tại cô ấy là cô giáo và lớn hơn nên cô ấy ức hiếp tôi vì vậy tôi sẽ nói việc này cho ba mẹ của tôi vì tôi nghĩ là có thể họ sẽ giúp tôi giải quyết vấn đề. Và đúng như tôi kỳ vọng, ba mẹ tôi đã bắt cô giáo hách dịch kia phải quỳ trước mặt tôi và trước mặt họ. Tôi say sưa cảm giác của một người thắng cuộc cho đến khi tôi nhận ra ba mẹ mình không phải là những người quyền lực nhất và chính họ vừa đang chiếm thế thượng phong nay đùng một cái phải rơi vào tình cảnh khốn đốn khi bị dư luận dồn ép.

Thử hỏi một đứa trẻ suy nghĩ như vậy thì liệu có thể phát triển một cách độc lập, ý thức trách nhiệm với bản thân và xã hội? Dù là cố ý hay vô tình thì chính quý vị đang tạo ra những suy nghĩ đó trong đầu những đứa trẻ vô tư hồn nhiên kia.

Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức mới là pháp luật tối đa, trước khi nghĩ đến biện pháp dùng pháp luật can thiệp hãy nghĩ đến các biện pháp khác để xem xét tính hiệu quả khi giải quyết vấn đề, điều này càng đúng trong lĩnh vực giáo dục.

 

 

 

  •  14137
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…