DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hành chính hay lao động? Tòa án từ chối thụ lý liệu có đúng quy định pháp luật ?

Kiện đòi lương, tòa không giải quyết

Đương sự kiện đòi lương, tòa nói đương sự là công chức nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Người này bèn kiện hành chính thì cũng bị tòa từ chối…

Bà Phạm Thị Hồng Vinh vốn là cán bộ thuộc biên chế của Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) từ tháng 5-1987. Bà Vinh được phân công làm việc tại Trại thực nghiệm nuôi cá nước ngọt Ninh Phụng thuộc khoa Nuôi trồng thủy sản của trường. Đến tháng 11-2010, bà Vinh được điều động về nhận nhiệm vụ tại phòng Quản trị thiết bị của Trường ĐH Nha Trang.

Kiện kiểu gì cũng bị tòa từ chối

Đầu năm 2011, bà Vinh khởi kiện Trường ĐH Nha Trang ra TAND TP Nha Trang vì cho rằng nhà trường đã không trả đủ lương và phụ cấp, dù bà đã liên hệ nhiều lần nhưng không được nhà trường giải quyết. Theo đơn khởi kiện, tổng số tiền lương và phụ cấp công việc mà bà Vinh yêu cầu nhà trường thanh toán là gần 115 triệu đồng.

Sau khi thụ lý vụ án, tháng 12-2012, TAND TP Nha Trang đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”. Không đồng ý, bà V. kháng cáo quyết định này lên TAND tỉnh Khánh Hòa.

Tháng 3-2013, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên họp để xét đơn kháng cáo của bà V. Theo Hội đồng Phúc thẩm, bà Vinh và đại diện Trường ĐH Nha Trang đều thừa nhận bà Vinh thuộc biên chế cán bộ, công chức của trường. Theo các quyết định trước đây của nhà trường và Quyết định số 1300 ngày 18-10-2010 của hiệu trưởng nhà trường thì tại thời điểm này bà Vinh vẫn là công chức, được điều chỉnh theo Luật Công chức năm 2008. Từ đó, Hội đồng Phúc thẩm cho rằng yêu cầu đòi tiền lương của bà Vinh đối với Trường ĐH Nha Trang không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Do vậy, Hội đồng Phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà Vinh, quyết định giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND TP Nha Trang.

Nhận được quyết định phúc thẩm, bà Vinh đã khởi kiện Trường ĐH Nha Trang bằng một vụ án hành chính nhưng yêu cầu khởi kiện thì vẫn giữ nguyên như ban đầu. Cuối năm 2013, bà nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện từ TAND TP Nha Trang. Trong thông báo này, tòa đưa ra lý do là vụ kiện cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Không đồng tình, bà Vinh đã khiếu nại lên TAND tỉnh Khánh Hòa nhưng bị chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa bác đơn.

Án lao động hay hành chính?

Về mặt pháp lý, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp luật. tất cả đều thống nhất rằng vụ kiện của bà Vinh thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Nha Trang (sơ thẩm) và TAND tỉnh Khánh Hòa (phúc thẩm). Tuy nhiên, đây là vụ kiện lao động hay hành chính thì lại có hai luồng quan điểm khác nhau.

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng đây là vụ án hành chính. Trong luồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Bà Vinh là người thuộc biên chế của Trường ĐH Nha Trang, được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập nên được xác định là công chức (Điều 2 Nghị định 06/2010 của Chính phủ về căn cứ xác định công chức). Theo quy định, việc trả lương cho bà Vinh được thực hiện theo quy chế trả lương của Trường ĐH Nha Trang, nơi bà Vinh đang làm việc (khoản 1 Điều 8 Nghị định 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Hành vi trả lương, phụ cấp không đầy đủ cho bà Vinh theo quy chế trả lương của Trường ĐH Nha Trang (nếu có) là hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức (khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính). Hành vi hành chính này là đối tượng khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa (khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính). Như vậy, bà Vinh có quyền khởi kiện hành chính với hành vi không trả lương cho công chức theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Luồng quan điểm thứ hai lại cho rằng đây là vụ án lao động. Theo ThS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM), các tranh chấp về tiền lương đều phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động và các bên giải quyết tranh chấp bằng thủ tục khởi kiện án lao động.

Vụ đòi lương, phụ cấp của bà Vinh thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án hay của cơ quan khác? Nếu thuộc thẩm quyền của tòa thì đây là tranh chấp lao động hay hành chính? Xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi ý kiến của các chuyên gia trên Pháp Luật TP.HCM số ngày mai (24-10).

Một số quy định liên quan

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

(Theo khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính)

Hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó.

(Theo khoản 4 Điều 3  Luật Tố tụng hành chính)

Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

(Theo khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính)

HỒNG TÚ

Theo Pháp luật TP

 

  •  6572
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…