DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Giấc mơ luật sư của cô bé “đi học trên lưng bố“

 

Trong kì thi Tốt nghiệp PTTH vừa qua, bức ảnh cha cõng con đi thi tại Hội đồng thi Trường THCS Tân Mai (Hà Nội) đã gây xúc động hàng nghìn người và tạo nên những hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Hôm con thi đại học, người cha ấy lại cõng con lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh rơi nước mắt. 

 

Hình ảnh khiến cộng đồng mạng xôn xao

 

Cô gái trong bức ảnh là Nguyễn Phương Linh, sinh năm 1993, hiện là sinh viên năm thứ nhất Khoa Luật, ĐH Công Đoàn Hà Nội…

 

 Kiên cường từ thưở… lọt lòng

 

Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt ướt dễ thương và cái miệng hay cười khiến ai cũng thấy được sự lạc quan của Linh…

 

Sinh ra được hai tuần thì Linh bị sốt 41 - 42 độ. Ông Nguyễn Tấn Nghĩa cùng vợ đưa con gái đến bệnh viện khám mới chết đứng vì Linh bị sốt bại liệt. Đôi chân em yếu dần đi. Một thời gian sau, bác sĩ còn phát hiện ra Linh có u cột sống, có thể khối u này đã chèn lên dây thần kinh làm yếu đôi chân em. Khối u lớn dần bằng quả xoài thì gia đình quyết định cho em mổ. Nhưng sau đó, khi xét nghiệm, bác sĩ ở bệnh viện khác mới cho hay, đó là u ác tính và Linh chỉ sống được khoảng 3 tháng. Ông Nghĩa đau khổ nhận tin và một mình âm thầm chuẩn bị hậu sự cho con. 

 

 Hạnh phúc của thầy và trò

Có mặt trong ngày hội thầy trò tiêu biểu của TP. Hà Nội, cùng ôn lại kỷ niệm với cô giáo chủ nhiệm cấp 3 Nguyễn Thúy Nga, Phương Linh xúc động cảm ơn cô đã dìu dắt và gửi lời chúc sức khỏe đến các thế hệ thầy cô trên cả nước nhân ngày nhà giáo Việt Nam.

Linh kể lại những ngày đầu mới đến trường cấp 3. Học ở trên tầng cao, nhưng Linh không hề gặp khó khăn với đôi chân không lành lặn. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp đã thỏa thuận, chia nhau cõng Linh lên lớp. “Khi em bị ốm không thể đi học, cô đã gọi điện hỏi han, nhờ các bạn đưa bài tập về nhà cho làm và dặn nếu không hiểu chỗ nào cứ hỏi cô. Vì vậy em chưa bao giờ thấy mình thiệt thòi mà luôn hạnh phúc vì được các bạn và cô hết lòng quan tâm”, Linh nói.

Còn cô Nga cho hay, điều hạnh phúc nhất của người thầy là khi được tin học trò thành công. Nhìn thấy Linh đến trường thi trên lưng bố, biết em thi đỗ vào ĐH Công đoàn, cô vô cùng xúc động. Cô dạy Linh phải cố gắng học để có cuộc sống tốt hơn bố mẹ. “Tôi dặn Linh phải coi mình là học sinh bình thường, không được đặt cho bản thân quyền ưu tiên nào để phấn đấu hết sức. Thậm chí, có lần tôi phải mắng để em tự tin vào bản thân”, cô Nga tâm sự.

Những tháng ngày ấy đối với người cha là những tháng ngày “quý giá” trong cuộc đời, quý giá vì bên con gái chiến đấu với tử thần, với bệnh tật, quý giá vì những lúc con cười, con không than đau dù kim tiêm chằng chịt khiến ông có thêm sức mạnh, quý giá vì ông đã không bỏ cuộc. Cuối cùng, sau 3 tháng, Phương Linh vẫn sống một cách thần kì, mặc dù đã có lúc thoi thóp thở, nhưng rồi đều vượt qua và lớn lên từng ngày trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. 

 

Những ngày đó, bố mẹ Phương Linh đều là những công nhân nhà máy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Dù sức khỏe yếu và thiếu đi đôi chân, nhưng Phương Linh đã được nuôi dậy với ý thức là một người bình thường, và “hoàn hảo” trong mắt cha mẹ. Linh tự làm được mọi việc cho mình, những vật dụng trong nhà đều được để rất thấp cho vừa tầm tay của Linh. Em cũng biết làm các việc vặt trong nhà như nấu cơm, dọn dẹp dù phải di chuyển bằng xe lăn. 

 

Và rồi niềm vui vì cô bé đã chống chọi với bệnh tật một cách thần kì suốt 6 năm lại bị chững lại khi Linh tới tuổi cắp sách đến trường. Ngày đăng kí nhập học, dù thuyết phục, thậm chí là nài nỉ, làm đơn gửi đi nhiều nơi nhưng bố mẹ Linh vẫn chưa tìm được nơi nào nhận con mình vào học. Đau đớn nghẹn lòng nhưng sự mạnh mẽ của gia đình bé nhỏ ấy luôn tiếp sức cho nhau. Cuối cùng, bố mẹ quyết định cho Linh ở nhà một năm, mua sách vở lớp 1 về bày chữ, tính số cho con đều đặn từng ngày, để chờ cơ hội được đến trường vào năm sau. 

 

Ông đi làm lo tiền chi tiêu cho gia đình, còn bà Trần Phương Thủy ở nhà mua sách dạy con học. Bà dạy từng chữ như sách giáo khoa, ra bài tập cho con rồi mang đến nhờ cô giáo trong xóm chấm hộ. May mắn đã mỉm cười sau nhiều lần đi xin học, Linh đã được nhận vào vào học lớp 2 đặc cách trường Tân Định.

Do không thể tự vệ sinh nên Linh không được học bán trú, bố mẹ em phải thay phiên nhau, ngày đưa đón con 4 lần đi học, về nhà. Ông Nghĩa, xin cơ quan cho làm toàn bộ buổi sáng, để buổi chiều phụ vợ đón con.

 

Đi học… trên lưng bố

 

Đã gần 10 năm qua, ông Nghĩa cõng Phương Linh đi học không quản ngày nắng ngày mưa, cõng con đi học là niềm hạnh phúc của người làm cha, hạnh phúc ấy bắt nguồn mạnh mẽ ngay từ ngày con gái sinh ra. Cấp 1 Linh học ở trường Tân Định, cấp 2 được về trường Tân Mai, cấp 3 đỗ vào THPT Trương Định. Học chính nhiều lúc Linh có bạn gần nhà đẩy xe lăn đến trường, cõng vào lớp, nhưng đi học thêm thì bố phải cõng lên từng bậc cầu thang.  

 

Phương Linh và cô chủ nhiệm suốt ba năm THPT

 

Ngày còn bé, nhiều lần bị bạn bè trêu chọc vì không thể tự đi, Linh nhớ nhất có lần các bạn chọc ghẹo, rồi chạy xung quanh như thách đố “đuổi tao đi”. Em ứa nước mắt nhưng đúng lúc ấy, bố đã có mặt. Em cũng nhớ những giờ học thêm, bố ngồi ngoài đợi suốt 2 tiếng để đón em về. Hay khi học ở gần hơn, bố đưa em đi học rồi tất tả về nhà nấu cơm, sau đó đón em và chờ mẹ đi bán hàng ở chợ về vào buổi tối.

 

Nhớ lại ngày đó, vì bố làm phụ xe buýt nên lúc nào cũng phải đi làm từ rất sớm. Một lần, bố về trưa muộn, nấu cơm vội vàng, vì không có món Linh thích, Linh đã không ăn. Bố đã dỗ dành và đi mua bánh mỳ cho Linh, nhưng trên đường đi, bố gặp tai nạn rất nặng. Thế nhưng bố vẫn không quên gọi điện cho anh họ bảo mua bánh mỳ cho Linh trước đi ngất đi…

 

Thương bố mẹ, Linh luôn lấy đó làm động lực để cố gắng trong cuộc sống này, để luôn vui vẻ, hạnh phúc. Vẫn biết, cuộc sống phía trước sẽ không dễ dàng gì, “ nhưng em là con gái của bố mẹ, em sẽ nỗ lực để sống tốt từng ngày,”- Linh cười giản dị.

 

Làm luật sư- tại sao không?

 

“Em nghĩ mình có thể trở thành một luật sư tốt, điều này tại sao không? Không phải cố tỏ ra mạnh mẽ để nói rằng mình không mặc cảm, mà sự thật rằng em không hề mặc cảm rằng em không có được đôi chân lành lặn như người mình thường. Em không có thời gian để tủi thân, để buồn mà luôn tự nhủ hãy sống thật tốt, hãy sống hết mình để không phụ công bố mẹ và đón lấy những niềm vui trong cuộc sống này.” Phương Linh nhoẻn cười, bạn bè có chân thì em có xe lăn, bạn bè đi chơi thì em cũng tham gia. “Em hạnh phúc vì đôi chân này chỉ gây ra những khó khăn, bất tiện trong cuộc sống, chứ không khép lại tương lai của em”, Linh nói.

 

Say mê môn Văn, bởi sách luôn mở ra cho em những chân trời mới, những miền đất mà em không đặt chân tới được… Linh từng viết về mẹ và được 9 điểm và có bài đăng báo về mẹ. Với Linh, mẹ là một hình mẫu mà em mong đạt đến bởi sự tận tụy, hết lòng vì chồng con. Xem chương trình Tòa tuyên án trên tivi, Linh mong một ngày trở thành luật sư để giúp nhiều người vô tội trắng án bằng lý lẽ thuyết phục. ĐH Luật quá xa nhà, Linh chọn thi vào khoa Luật ĐH Công đoàn để rút ngắn quãng đường đến lớp, và gần nơi mẹ bán hàng để tiện “khi có chuyện gì xảy ra”. Em lựa chọn ĐH Công đoàn còn bởi vì trường có thang máy, ngồi trên xe lăn cũng có thể dễ dàng lên lớp ở tầng cao.

 

Hôm thi đại học, bố là người cõng Linh lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh cảm động.

 

Đối với Phương Linh, câu hỏi về tương lai dường như còn quá xa nhưng rất chắc chắn, em khẳng định rằng, mình sẽ có một cuộc sống tốt: “Không có một đôi chân bình thường, thì tiếc là không được mặc váy thôi, còn mọi vấn đề khác em hoàn toàn tự tin sẽ làm chủ cuộc sống”. Không những thế, Linh tin rằng với vai trò là một luật sư, em sẽ góp sức nhỏ của mình với xã hội, cộng đồng. Và hơn nữa, em muốn giúp các bạn nhỏ chịu nhiều thiệt thòi như em dù chỉ một chút quyền lợi, một việc gì đó hoặc đơn giản hơn hãy nhìn vào Linh để luôn mỉm cười và vươn tới, phía trước là bầu trời và hạnh phúc- cho tất cả những ai xứng đáng với nó…

 

Uyên Na

Nguồn: phapluatvn.vn

  •  5049
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…