DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đào tạo Trung cấp Luật liệu có làm hỏng nền móng tư pháp Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, ngành luật là một trong những ngành học rất quan trọng và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ do nhu cầu chung của xã hội. Những người hành nghề luật luôn rất tự hào về ngành nghề của mình do họ đã được đào tạo qua một quá trình gian nan và khổ sở để có được tấm bằng cử nhân luật. Nghề luật ngày càng được xã hội tôn trọng và do đó số lượng sinh viên đăng ký học ngành luật đang ngày càng tăng.

 

Hiện nay, ngoài những cơ sở đào tạo trình độ cử nhân luật nổi tiếng như ĐH Luật Hà Nội (khu vực phía Bắc) và ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh (khu vực phía Nam), thì cũng có rất nhiều những trường đại học khác cũng đào tạo chuyên ngành luật như ĐH Kinh Tế Luật, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn, ĐH Mở, ĐH Bình Dương v.v…

 

Qua đó chúng ta thấy rằng lượng Cử nhân luật tốt nghiệp mỗi năm trên phạm vi toàn quốc là không hề nhỏ, chỉ riêng tổng 2 trường là ĐH Luật Tp. HCM và ĐH Kinh tế luật mỗi năm cũng có đến hơn 1 ngàn sinh viên tốt nghiệp, tính chung các trường ĐH cũng đến con số vài ngàn. Tuy vậy, chỉ một số ít trong những Cử nhân Luật tốt nghiệp là có việc làm và thu nhập tương đối ổn định, đa số phần còn lại thì làm trái nghề hoặc thất nghiệp. Mặc dù những năm gần đây những công việc cần tuyển cử nhân luật cũng đã nhiều hơn trước, cử nhân luật đang dần đắt show và số lượng Cử nhân luật thất nghiệp cũng có giảm nhưng phần đông vẫn đang rơi vào tình trạng thất nghiệp.

 

Trong bối cảnh đó, ngày 15/7/2016, Bộ Tư pháp đã ban hành các chương trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên ngành pháp luật kèm theo Quyết định 1528/QĐ-BTP. Theo đó, chương trình đào tạo áp dụng cho 2 nhóm người học

 

1. Người học đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc Bổ túc trung học phổ thông (thời gian đào tạo là 02 năm).

 

2. Người học đã tốt nghiệp Trung học cơ sở (thời gian đào tạo là 03 năm).

 

Như vậy, hàng năm chúng ta lại có thêm một cơ số không nhỏ những người có kiến thức chuyên ngành luật để tham gia vào thị trường việc làm trong xã hội. Số lượng không phải là vấn đề khi ngày nay từ tư nhân đến nhà nước làm gì cũng liên quan đến luật, ai ai cũng phải biết luật dù ít hay nhiều. Tuy nhiên chúng ta hãy xem quy định tại phần mô tả chương trình trong Quyết định 1528/QĐ-BTP:

 

Mô tả chương trình:

 

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc ở nhiều cơ quan, với nhiều vị trí công việc khác nhau: Công chức cấp xã (ở hầu hết các chức danh, kể cả chức danh lãnh đạo), cán bộ Phòng Tư pháp, Sở Tư pháp, cán bộ thi hành án, hoặc làm việc tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng, văn phòng luật sư, công ty tư vấn luật, trường học, doanh nghiệp...

 

Như vậy có một vài vấn đề phải đặt ra:

 

1. Chỉ cần xuất phát điểm là tốt nghiệp THCS, THPT và chỉ cần tham gia khóa đào tạo trong vòng 02 đến 03 năm là có thể cho ra một người mà có thể đảm đương một số chức vụ quan trọng như cán bộ Sở Tư pháp, cán bộ thi hành án v.v…Liệu chất lượng đào tạo có thể đảm bảo được điều đó hay không?

 

Vai trò của công chức và cán bộ tư pháp trong các cơ quan nhà nước là rất lớn, việc làm của họ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Do vậy công chức, cán bộ phải có đủ trình độ chuyên môn, đủ đạo đức để gánh vác công việc. Với xuất phát điểm và thời gian yêu cầu trong chương trình đào tạo, tôi cho rằng chất lượng đào tạo sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc.

 

2. Liệu rằng sẽ dễ có lỗ hổng cho con em của cán bộ, công chức tại địa phương có cơ hội để tham gia vào cơ quan công quyền mà thực lực không có?

 

Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, như phía trên đã chỉ rõ rằng yêu cầu người học chỉ cần tốt nghiệp THCS hoặc THPT là quá đơn giản vì hầu hết ai cũng có được 02 tấm bằng này. Còn việc học trong 02 hoặc 03 năm theo chương trình đào tạo thực sự cũng không khó khăn hơn là mấy khi những môn học trong chương trình là những môn rất cơ bản trong ngành luật. Sau khi có được tấm bằng trung cấp chuyên ngành luật thì việc xin quan cơ quan nhà nước là không khó nếu họ là con em của cán bộ, công chức.

 

3. Tại sao chúng ta phải đào tạo thêm trình độ trung cấp luật trong khi chúng ta có hàng ngàn những cử nhân luật đã tốt nghiệp và đang thất nghiệp hay phải chịu làm trái ngành? Những cử nhân này đã được đào tạo một cách rất bài bản với thời gian đào tạo là 04 đến 05 năm tùy ngành. Lực lượng này rõ ràng là chất lượng hơn nhiều so với những người chỉ vừa học hết THCS hoặc THPT và chỉ tham gia khóa đào tạo trong thời gian 02 đến 03 năm.

 

Ngành y dược kể từ năm 2018 sẽ ngừng đào tạo trình độ trung cấp, như đã nói phía đầu bài viết, nghề luật cũng quan trọng không kém nghề y dược, người hành nghề luật buộc phải có đủ trình độ và tố chất nếu không muốn gây ra những tác động rất tiêu cực đến xã hội.

 

Vì vậy, bản thân tác giả bài viết cho rằng đào tạo trình độ trung cấp chuyên ngành luật là không cần thiết và không an toàn.

  •  14473
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…