DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu và Công ty TNHH Connell Bros tranh chấp hợp đồng mua bán 26.160kg hóa chất Myflame 84527E ...

Số hiệu

380/2006/KDTM-ST

Tiêu đề

Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu và Công ty TNHH Connell Bros tranh chấp hợp đồng mua bán 26.160kg hóa chất Myflame 84527E trị giá là 75.864 USD

Ngày ban hành

01/08/2006

Cấp xét sử

Sơ thẩm

Lĩnh vực

Kinh tế

 

Xét các bên thỏa thuận mua bán sản phẩm để dùng cho: vật liệu cho sản phẩm da tổng hợp PO là loại vật liệu không có thực, căn cứ vào điều 141 Bộ Luật dân sự 1995 thì hợp đồng số 241 và 243 bị vô hiệu do nhầm lẫn. Do đó Hội đồng xét xử vô hiệu hợp đồng 241 và 243 do việc các bên giao dịch mua bán Myflame 84527E để dùng cho vật liệu PO là loại vật liệu không có thật.

Việc xử lý hợp đồng vô hiệu đối với sản phẩm Myflame 84527E căn cứ vào điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế để xử lý như sau: “Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền… Thiệt hại phát sinh, các bên tự gánh chịu”. Xét trong việc thực hiện hợp đồng trên, Công ty TNHH Connell Bros giao cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu 109 thùng Myflame 84527E trị giá 75.864USD. Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng 73 thùng và làm mất 3 thùng tổng cộng là 76 thùng trị giá là 52.896USD (76 x 240kg x 2,9USD/kg = 52.896USD). Do đó Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TNHH Connell Bros 33 thùng Myflame 84527E hiện đang tồn kho và số tiền là 52.896USD, trị giá của 67 thùng Myflame 84527E mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng.

Từ việc xử lý hợp đồng vô hiệu nói trên, Hội đồng xét xử bác yêu cầu của Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu trong việc đòi Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại 1.845.328.082 đồng.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Connell Bros, buộc Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TNHH Connell Bros 3

Bản án số380/2006/KDTM-ST ngày 01-8-2006

V/v tranh chấp hợp đồng mua bán

Trong ngày 27 tháng 7 năm 2006 và ngày 01 tháng 8 năm 2006 tại trụ sở Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 149/KTST ngày 06 tháng 6 năm 2005 về hợp đồng mua bán theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số1149/2006/QĐXX-ST ngày 30 tháng 6 năm 2006 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu

Địa chỉ: 80A Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Có ông Nguyễn Văn Thịnh, CMND 023007451, cấp ngày 28-04-1999 tại Công an TP.HCM, Giám đốc công ty làm đại diện.

Có Luật sư Trần Thị Bích Phượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.

Bị đơn: Công ty TNHH Connell Bros

Địa chỉ Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Connell Bros tại TP. HCM: Tầng 9 Tòa nhà 235 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM.

Có ông Nguyễn Nhật Tuấn, CMND 024246715, cấp ngày 01-04-2004 tại Công an TP.HCM, làm đại diện ủy quyền theo giấy ủy quyền ngày 27-6-2005 đã được hợp pháp hóa lãnh sự số3448/LS-CN/2005 ngày 08-7-2005 của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Fransico, Hoa kỳ.

Có Luật sư Nguyễn Văn Sải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh

Địa chỉ : 334 Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh, TP. HCM.

Có ông Trần Nguyên Anh Thắng, CMND 024318654, cấp ngày 20-12-2004 tại Công an TPHCM, là nhân viên công ty làm đại diện ủy quyền, theo số ủy quyền số08/UQ-CT ngày 29 tháng 09 năm 2005 của Giám đốc Công ty.

Người giám định: Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: 80 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Có ông Trần Thế Dung, Phó phòng giám định 8 làm đại diện được ủy quyền

Cùng dự có ông Bùi Huy Phấn, Giám định viên.

Người làm chứng: Ông Lê Hồng Nam, hộ chiếu số A0706088B do Công an TP. HCM cấp ngày 16-5-2003. Cư ngụ tại 718/31 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM.

NHẬN THẤY

Theo đơn khởi kiện ngày 07 tháng 01 năm 2004 và tờ giải trình ngày 22-11-2005 của Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu thì ngày 07-7-2003 Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu và Công ty TNHH Connell Bros có ký hợp đồng mua bán số241/03-VU và số 243/03 - VU với nội Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu mua của Công ty TNHH Connell Bros 26.160kg hóa chất Myflame 84527E trị giá là 75.864 USD.

Thực hiện hai hợp đồng mua bán trên, sau khi nhận hàng Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng lô hóa chất nhập về để gia công 100.000m vải có phủ chất chống cháy theo tiêu chuẩn BS5852 theo hợp đồng gia công số 086/07 –2003 – VG – GCDI ngày 18-7-2003 với Xí nghiệp may Bình Thạnh thuộc Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh.

Thực hiện hợp đồng gia công trên, Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã giao cho Xí nghiệp may Bình Thạnh 100.000m vải có phủ chất chống cháy, nhưng khi kiểm tra chất lượng hàng Xí nghiệp may Bình Thạnh đã từ chối thanh toán tiền gia công với lý do chất chống cháy phủ trên vải không đạt chất lượng vì bị dính và không khô.

Công ty TNHH Connell Bros đã bán cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu hóa chất Myflame 84527E không đạt chất lượng dẫn đến việc Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu bị thiệt hại 121.000USD. Đây là số tiền gia công mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã thực hiện gia công 100.000m vải nhưng đã bị Xí nghiệp may Bình Thạnh từ chối thanh toán.

Ngày 05-11-2003 Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Connell Bros khắc phục hậu quả thiệt hại nhưng không được Công ty TNHH Connell Bros giải quyết. Do đó, Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH Connell Bros phải bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu số tiền là 121.000USD.

Ý kiến của Công ty TNHH Connell Bros: Chúng tôi không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn. Vì chúng tôi bán hóa chất Myflame 84527E cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu theo giấy chứng nhận phân tích do nhà chế tạo cung cấp, việc sử dụng hoá chất để làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm khác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: đối tượng sử dụng, máy móc thiết bị, công nghệ của người sản xuất… . Ngoài ra chúng tôi có yêu cầu phản kiện yêu cầu phía nguyên đơn trả cho chúng tôi số nợ tiền hàng của hai hợp đồng là 75.864USD và lãi phát sinh 4.978,35USD.

Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 245/KTST ngày 28-9-2004 Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã: Bác yêu cầu của nguyên đơn (Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu) trong việc yêu cầu bị đơn là Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại số tiền là 110.000USD. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Connell Bros, buộc Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu phải trả cho Công ty TNHH Connell Bros số tiền là 80.842,35USD. Trong đó có nợ tiền hàng của hai hợp đồng là 75.864USD và lãi phát sinh 4.978,35USD.

Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 37/KTPT ngày 12-5-2005 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên: Huỷ bản án số 245/KTST ngày 28-9-2004 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu và bị đơn Công ty TNHH Connell Bros và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh. Giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho các bên đương sự hòa giải để giải quyết tranh chấp trên, nhưng do các bên không thống nhất với nhau về cách giải quyết bằng hòa giải nên Tòa án đã lập biên bản hòa giải không thành và đưa vụ án ra xét xử theo luật định.

Tại phiên Tòa ngày 27-7-2006 :

Ý kiến của nguyên đơn (Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu): Yêu cầu Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại số tiền là 1.845.328.082 đồng theo hai hợp đồng số 241 ký ngày 07-07-2003, số 243 ký ngày 11-07-2003. Về yêu cầu phản tố của nguyên đơn chúng tôi xác nhận chưa thanh toán số tiền 75.864USD cho bị đơn.

Ý kiến của Công ty TNHH Connell Bros: Chúng tôi không đồng ý bồi thường số tiền 1.845.328.082 đồng cho nguyên đơn, chúng tôi có đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn trả cho chúng tôi số nợ tiền hàng của hai hợp đồng là 75.864USD và lãi phát sinh 4.978,35USD. Tổng cộng là 80.842,35USD.

Ý kiến của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh: Về tranh chấp giữa Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu với Công ty TNHH Connell Bros trong việc mua bán hóa chất chúng tôi không có ý kiến gì.

Ý kiến của người làm chứng (ông Lê Hồng Nam, nguyên là nhân viên Phòng kinh doanh hóa chất dệt may của Công ty TNHH Connell Bros từ tháng 12 năm 2002 đến tháng 01 năm 2004): Khi Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu thông báo hàng kém chất lượng thì Công ty TNHH Connell Bros có cử hai chuyên gia kiểm tra sản phẩm, đem sản phẩm đi kiểm tra thử ở phòng thì nghiệm và thông báo sản phẩm bị dính. Các chuyên gia đề xuất sẽ giới thiệu hóa chất để khắc phục sản phẩm hiện tại, nhưng cuối cùng vẫn không cung cấp hóa chất để khắc phục sản phẩm hiện tại. Về độ nhớt trước đây các bên giao dịch Myflame 84527E chỉ có độ nhớt 95 poise, theo yêu cầu của Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu nên trong hai hợp đồng 241 và 243 độ nhớt đã điều chỉnh tăng lên 115 poise. Về ghi chú đặc biệt trong hai hợp đồng 241 và 243 ông Nam cho rằng: Theo ông biết thì không có sản phẩm da tổng hợp PO hoặc sản phẩm giả da tổng hợp PO.

Ý kiến của người giám định (đại diện Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh): Theo kết quả giám định, lưu ý khi chúng tôi kiểm tra thì lô hàng Myflame 84527E đã hết hạn sử dụng, thì các chỉ số của sản phẩm Myflame 84527E đều nằm trong bảng chỉ tiêu của nhà sản xuất đưa ra và chỉ có tính chất tham khảo. Myflame 84527E là chất chống cháy. Trong đó: Myflame là hỗn hợp làm chậm quá trình cháy; còn số 84275E là số sản phẩm. Thông thường mỗi sản phẩm chỉ có một độ nhớt nhất định. Tuy nhiên, sản phẩm Myflame 84527E mà các bên giao dịch lại có hai số độ nhớt là 95 poise và 115 poise.

Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư nêu tóm tắt nội dung vụ kiện, phân tích vụ kiện và cho rằng bên bán đã giao hàng không đúng chất lượng nên chúng tôi từ chối thanh toán tiền hàng và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bên bán phải bồi thường thiệt hại số tiền là 1.845.328.082 đồng cho nguyên đơn do việc bên bán giao hàng kém chất lượng dẫn đến việc bên mua đã sử dụng hóa chất gia công cho Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh nhưng không thu được tiền gia công.

Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư nêu tóm tắt nội dung vụ kiện, phân tích vụ kiện và cho rằng tại hai hợp đồng 241 và 243 có điều khoản ghi chú đặc biệt: “… sản phẩm da tổng hợp PO hoặc sản phẩm giả da tổng hợp PO”. Xét tại phiên Tòa cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận đây là sản phẩm da tổng hợp PU nhưng do đánh máy nhầm nên ghi thành PO và cho rằng hợp đồng 214 và 243 vẫn có hiệu lực pháp lý. Qua phân tích Luật sư cho rằng bên bán đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, do đó bị đơn phải thanh toán tiền hàng và lãi chậm trả cho bên bán. Việc nguyên đơn cho rằng sản phẩm khi gia công bị dính để yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có cơ sở. Vì sản phẩm dính hoặc không dính đây là vấn đề công nghệ. Bên bán chỉ bán nguyên liệu chống cháy chứ không bán công nghệ chống cháy.

XÉT THẤY

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử có nhận định:

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Xét tại điều khoản chọn cơ quan tài phán trong hợp đồng 241/03 - VU và 243/03 - VU cả hai bên thỏa thuận: “khi có tranh chấp phát sinh, nếu không giải quyết được bằng thương lượng hòa giải, sẽ được đưa đến Tòa án Việt Nam giải quyết”. Do đó, khi có tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hai hợp đồng mua bán trên, căn cứ điểm b, khoản 1, điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên thuộc Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Về thời hiệu khởi kiện: Xét trong việc thực hiện hai hợp đồng 241/03 - VU ký ngày 07-7-2003 và 243/03 - VU ký ngày 11-7-2003, sau khi nhận hàng và đưa vào sản xuất và phát hiện hàng kém chất lượng nên ngày 07 tháng 01 năm 2004 Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã làm đơn khởi kiện. Căn cứ vào khoản 1 điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và khoản 3, điều 159 Bộ Luật tố tụng dân sự thì đơn khởi kiện của nguyên đơn nằm trong thời hiệu khởi kiện.

Xét việc Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu yêu cầu Công ty TNHH Connell Bros phải bồi thường thiệt hại số tiền là 1.845.328.082 đồng theo hai hợp đồng số 241/03 - VU ký ngày 07-07-2003, số 243/03 - VU ký ngày 11-07-2003 do việc Công ty TNHH Connell Bros giao hóa chất Myflame 84527E kém chất lượng. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

Để xác định lô hóa chất Myflame 84527E của Công ty TNHH Connell Bros giao cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu theo hợp đồng số 241/03 - VU và số 243/03 - VU có đúng chất lượng hay không, theo đề nghị của nguyên đơn, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định số3745/QĐ-TCGĐ-KTST ngày 06-12-2005 Trưng cầu Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh tiến hành giám định chất lượng nguyên liệu My-Flame 84527E có đúng chất lượng như bản thông số kỹ thuật của nhà sản xuất cung cấp cho bên mua theo hợp đồng hay không?

Ngày 14-02-2006 Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh đã có kết quả giám định số 05G08ND0193 như sau:

Chúng tôi tiến hành chạy thử nghiệm trên mẫu vải polyester và vải giả da tổng hợp PU trên dây chuyền sản xuất của Công ty Việt Á Châu với nguyên liệu Myflame 84527E nói trên. Chúng tôi đã tìm trong các tài liệu kỹ thuật và trên internet thì không có vải da tổng hợp PO mà chỉ có vải da tổng hợp PU (polyurethane), vải da tổng hợp PVC (polyvinyclorur)…

Chúng tôi kết luận về công dụng như sau: “Myflame 84527E là chất làm chậm quá trình cháy (chất chống cháy) được tráng phủ ở mặt sau của vải bọc (vải bọc bằng polyester, cotton, sợi pha, …).

Lưu ý:

- Theo kiến thức của chúng tôi trên thị trường không có vải giả da tổng hợp PO hoặc sản phẩm da tổng hợp PO.

- Myflame tráng phủ được lên mặt vải lót của vải giả da tổng hợp PU.

Tại công văn số 52/GĐ ngày 08-3-2006 của Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh cũng xác định: Do lô Myflame 84527E đã hết thời hạn sử dụng nên chúng tôi không thử nghiệm để xác định có đạt tiêu chuẩn chống cháy BS 5852 theo bản data kỹ thuật hay không?

Tại công văn ngày 25-7-2006 của Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh về việc làm rõ kết luận giám định đã khẳng định: Tại thời điểm giám định, hàng hóa (Myflame 84527E) đã hết thời hạn sử dụng nên không thể sử dụng kết quả phân tích để đánh giá chất lượng phù hợp với bản thông số kỹ thuật hay không (kết quả phân tích chỉ tiêu kỹ thuật chỉ mang tính tham khảo). Cùng một tên gọi sản phẩm Myflame 84527E lại có loại độ nhớt 95 poise và 115 poise: điều này chỉ có thể được giải thích rõ bởi nhà sản xuất, bởi vì: sản phẩm Myflame của hãng Noveon với mỗi tên sản phẩm thì chỉ có một độ nhớt tương ứng. Ví dụ: Myflame 81101A có độ nhớt 30 cP, Myflame 84512E có độ nhớt 40 Poise-RVT5/20… Tuy nhiên, loại sản phẩm Myflame 84527E lại có 2 chỉ số độ nhớt 95 poise và 115 poise được thể hiện trên giấy chứng nhận phân tích của hãng Noveon.

Theo kết luận của Vinacontrol và theo trình bày của các bên đương sự thì: “Tại thời điểm giám định, hàng hóa (Myflame 84527E) đã hết thời hạn sử dụng nên không thể sử dụng kết quả phân tích để đánh giá chất lượng phù hợp với bản thông số kỹ thuật hay không (kết quả phân tích chỉ tiêu kỹ thuật chỉ mang tính tham khảo)”. Do đó, Hội đồng xét xử cũng không có cơ sở không thể kết luận lô hàng Myflame 84527E của bị đơn giao cho nguyên đơn có đạt chất lượng theo hợp đồng hoặc theo các bản thông số kỹ thuật hay không đạt.

Xét hai hợp đồng 241/03 – VU và 243/03 – VU các bên có thỏa thuận mua Myflame 84527E xuất xứ tại Vương Quốc Anh có điều khoản chú thích đặc biệt như sau: “Vật liệu cho sản phẩm da thuộc tổng hợp PO, chế tạo tại Hoa Kỳ và quốc gia xuất xứ khác”.

Tuy nhiên, Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu mua Myflame 84527E để gia công cán phủ chất chống cháy trên vải poly-oxford cho Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh dẫn đến việc sản phẩm không đạt yêu cầu về độ dính và bong tróc để yêu cầu Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại số tiền là 1.845.328.082 đồng là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận, nên bác yêu cầu.

Về ý kiến của nguyên đơn cho rằng việc mua sản phẩm Myflame 84527E của Công ty TNHH Connell Bros để dùng sản xuất cán phủ lên sản phẩm da tổng hợp PU hoặc các sản phẩm dệt may đã được nhà sản xuất Noveon tư vấn công nghệ cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu. Tuy nhiên, trong hai hợp đồng 241/03 – VU và 243/03 – VU không thể hiện việc hãng Noveon tư vấn công nghệ phủ chất Myflame 84527E, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Xét tại báo cáo kết quả giám định của Chi nhánh Công ty cổ phần giám định Vinacontrol tại TP. Hồ Chí Minh có kết luận: “…Chúng tôi đã tìm trong các tài liệu kỹ thuật và trên internet thì không có vải da tổng hợp PO mà chỉ có vải da tổng hợp PU (polyurethane), vải da tổng hợp PVC (polyvinyclorur)…

Lưu ý: Theo kiến thức của chúng tôi trên thị trường không có vải giả da tổng hợp PO hoặc sản phẩm da tổng hợp PO”. Trong khi đó hai hợp đồng 241 và 243 có điều khoản ghi chú đặc biệt quy định như sau: “Vật liệu cho sản phẩm da thuộc tổng hợp PO, chế tạo tại Hoa Kỳ và quốc gia xuất xứ khác”.

Xét các bên thỏa thuận mua bán sản phẩm để dùng cho: vật liệu cho sản phẩm da tổng hợp PO là loại vật liệu không có thực, căn cứ vào điều 141 Bộ Luật dân sự 1995 thì hợp đồng số 241 và 243 bị vô hiệu do nhầm lẫn. Do đó Hội đồng xét xử vô hiệu hợp đồng 241 và 243 do việc các bên giao dịch mua bán Myflame 84527E để dùng cho vật liệu PO là loại vật liệu không có thật.

Việc xử lý hợp đồng vô hiệu đối với sản phẩm Myflame 84527E căn cứ vào điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế để xử lý như sau: “Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền… Thiệt hại phát sinh, các bên tự gánh chịu”. Xét trong việc thực hiện hợp đồng trên, Công ty TNHH Connell Bros giao cho Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu 109 thùng Myflame 84527E trị giá 75.864USD. Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng 73 thùng và làm mất 3 thùng tổng cộng là 76 thùng trị giá là 52.896USD (76 x 240kg x 2,9USD/kg = 52.896USD). Do đó Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TNHH Connell Bros 33 thùng Myflame 84527E hiện đang tồn kho và số tiền là 52.896USD, trị giá của 67 thùng Myflame 84527E mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng.

Từ việc xử lý hợp đồng vô hiệu nói trên, Hội đồng xét xử bác yêu cầu của Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu trong việc đòi Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại 1.845.328.082 đồng.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Connell Bros, buộc Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TNHH Connell Bros 33 thùng Myflame 84527E hiện đang tồn kho và số tiền là 52.896USD, trị giá của 67 thùng Myflame 84527E mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng.

Về ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng tại phiên Tòa sơ thẩm ngày 27-7-2006 cả hai bên đương sự đã xác nhận chữ PO là nhầm lẫn đúng ra phải ghi là PU (polyurethane) để cho rằng hợp đồng 241 và 243 vẫn có hiệu lực. Hội đồng xét xử có nhận định như sau:

Xét khi phát sinh tranh chấp về chất lượng sản phẩm, do các bên không yêu cầu trưng cầu giám định nên không biết có sự sai sót tên gọi vật liệu da tổng hợp PO ghi trong hợp đồng. Tại phiên Tòa sơ và phúc thẩm trước đây Công ty TNHH Connell Bros vẫn cho rằng bên bán đã bán sản phẩm Myflame 84527E đúng hợp đồng, còn việc sử dụng sản phẩm vào loại vật liệu nào là việc của bên mua để từ chối bồi thường thiệt hại. Tại biên bản làm việc ngày 24-7-2006 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh với các bên đương sự, đại diện của Công ty TNHH Connell Bros vẫn khẳng định về việc: “hai bên thỏa thuận là vật liệu da tổng hợp PO nên trong hợp đồng ghi rõ là PO”.

Chính vì sự nhầm lẫn về tên gọi PO và PU trong hợp đồng 214 và 243, khi có tranh chấp về chất lượng Công ty TNHH Connell Bros vẫn cho mình đã giao hàng đúng chất lượng trong hợp đồng, còn Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu cho rằng lô hàng kém chất lượng cần phải giữ lại lô hàng để kiểm tra chất lượng, dẫn đến việc lô hàng hết hạn sử dụng. Do đó, việc Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng: Tại phiên Tòa ngày 27-7-2006, các bên đã thừa nhận có sự nhầm lẫn giữa tên gọi sản phẩm PO và PU để hợp đồng có giá trị pháp lý là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về án phí, căn cứ vào khoản 2, điều 15 Nghị định 70/CP ngày 12-6-1997;

Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu phải chịu án phí trên số tiền là 2.689.812.722 đồng (1.845.328.082 đồng và 52.896USD được quy ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá 15.965 đồng/USD thành tiền là 844.484.640 đồng). Tiền án phí là 29.689.800 đồng. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí của Công ty đã nộp là 14.430.000 đồng theo biên lai thu tiền số 003348 ngày 14-01-2004 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu còn phải nộp số tiền 15.259.800 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.

Công ty TNHH Connell Bros phải chịu án phí trên số tiền là 27.946,35USD được quy ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá 15.965 đồng/USD thành tiền là 446.163.477 đồng. Tiền án phí là 16.384.900 đồng. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí của Công ty đã nộp là 14.130.000 đồng theo biên lai thu tiền số 004250 ngày 07-6-2004 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH Connell Bros còn phải nộp số tiền 2.254.900 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.

Vì các lẽ trên ;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a, khoản 1, điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 3, điều 159 của Bộ Luật tố tụng dân sự;

Căn cứ điều 141 Bộ luật dân sự 1995 và điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế;

Căn cứ vào thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản;

Căn cứ Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

1. Vô hiệu hợp đồng mua bán số 241/03 – VU ký ngày 07-7-2003 và số 243/03 – VU ký ngày 11-7-2003 giữa Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu và Công ty TNHH Connell Bros. Việc xử lý hợp đồng vô hiệu như sau:

a) Bác yêu cầu của Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu trong việc đòi Công ty TNHH Connell Bros bồi thường thiệt hại 1.845.328.082 đồng.

b) Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Connell Bros, buộc Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TNHH Connell Bros 33 thùng Myflame 84527E và số tiền là 52.896USD, trị giá của 67 thùng Myflame 84527E mà Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu đã sử dụng.

c) Thiệt hại phát sinh, các bên tự gánh chịu.

2. Về án phí :

a) Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu phải chịu án là 29.689.800 đồng. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí của Công ty đã nộp là 14.430.000 đồng theo biên lai thu tiền số 003348 ngày 14-01-2004 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất Việt Á Châu còn phải nộp số tiền 15.259.800 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.

b) Công ty TNHH Connell Bros phải chịu án phí là 16.384.900 đồng. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí của Công ty đã nộp là 14.130.000 đồng theo biên lai thu tiền số 004250 ngày 07-6-2004 của Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH Connell Bros còn phải nộp số tiền 2.254.900 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, hoặc kể từ ngày có đơn xin thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hằng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chưa thi hành án .

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án, các bên đương sự có quyền kháng cáo bản án này lên Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao./.

 

  •  7757
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…