DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chia sẻ về 1 số vướng mắc áp dụng hạch toán kế toán theo TT 200

1.- [KẾ TOÁN -  TT 200/2014/TT-BTC, Tiền phạt nhà thầu?]

 
➡ Hỏi: Theo hướng dẫn của thông tư 200/2014/TT-BTC thì tiền phạt nhà thầu hạch toán giảm tài khoản 241, vậy khi quyết toán hợp đồng và tăng tài sản thì giá trị quyết toán ghi thế nào và giá trị hình thành tài sản như thế nào? cụ thể giá trị hợp đồng là 110 đồng bao gồm cả thuế GTGT (10%), tiền phạt nhà thầu là 20 đồng. Hỏi trong quyết định phê duyệt quyết toán giá trị vốn đầu tư thực hiện là bao nhiêu đồng và giá trị tài sản hình thành là bao nhiêu đông?. Em chân thành cảm ơn!
 
➡ Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3.1.7, Điều 46 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản nếu có phát sinh khoản tiền phạt nhà thầu thu được thì ghi giảm chi phí XDCB dở dang đồng thời tăng khoản tiền do thu phạt nhà thầu hoặc giảm khoản phải trả cho nhà thầu, ghi:
 
            Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
 
            Nợ TK 331 - Phải trả người bán
 
                        Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
 
            Do đó, giá trị tài sản hình thành qua đầu tư XDCB đưa vào quyết toán là tổng chi phí đầu tư XDCB thực tế phát sinh trừ đi các khoản điều chỉnh giảm giá trị công trình đầu tư XDCB (bao gồm cả khoản tiền phạt nhà thầu - nếu có).
 
            Theo số liệu Quý độc giả nêu tại phiếu hỏi đáp trên thì có thể kế toán như sau:
 
            (1) Khoản tiền phạt nhà thầu thu được phát sinh trong quá trình xây dựnglà 20 đồng được ghi giảm giá trị công trình và giảm số phải thanh toán cho nhà thầu:
 
            Nợ TK 331                    20 đồng
 
                        Có TK 241                     20 đồng
 
            (2) Căn cứ vào giá trị phần xây lắp nhà thầu hoàn thành theo hợp đồng và đã được 2 bên nghiệm thu là 100 đồng, kế toán ghi:
 
            Nợ TK 241                    100 đồng
 
            Nợ TK 133                    10 đồng
 
                        Có TK 331                     110 đồng
 
                (3) Vậy giá trị tài sản hoàn thành qua đầu tư XDCB được đưa vào quyết toán là 80 đồng.
 
Link bài viết tại đây:
 
http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1973955/1973293?m_action=4&p_id=385394
 

2.- [KẾ TOÁN -  TT 200/2014/TT-BTC, HẠCH TOÁN HÀNG KHUYẾN MÃI?]
 
➡ Hỏi: Công ty chúng tôi là Nhà phân phối các sản phẩm. Trong chính sách bán hàng của các Nhà sản xuất thường có các chương trình khuyến mãi hàng hoá cho khách hàng (Nhà cung cấp đã đăng ký chương trình khuyến mãi) và Nhà phân phối (NPP) chịu trách nhiệm nhận hàng khuyến mãi này và giao cho khách hàng theo đúng chính sách của Nhà sản xuất. ( NPP làm trung gian nhận và chuyển hàng khuyến mãi đến khách hàng ). Khi xuất Hoá đơn xuất hàng khuyến mãi của Nhà cung cấp thì người nhận hàng khuyến mãi là NPP Và khi NPP xuất hàng khuyến mãi này giao cho khách hàng thì có phải : - Xuất lại hóa đơn khuyến mãi cho khách hàng hay không, - Đăng ký lại chương trình khuyến mãi theo pháp luât thương mại không? - Hạch toán ghi nhận hàng khuyến mãi và khuyến mãi lại như thế nào ? Theo TT200/2014/BTC : Trường hợp DN là nhà phân phối hoạt động thương mại được nhận hàng hoá (không phải trả tiền) từ nhà sản xuất để quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối - Khi nhận hàng của nhà sản xuất (không phải trả tiền) dùng để khuyến mại, quảng cáo cho khách hàng, nhà phân phối phải theo dõi chi tiết số lượng hàng trong hệ thống quản trị nội bộ của mình và thuyết minh trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính đối với hàng nhận được và số hàng đã dùng để khuyến mại cho người mua. Xin cho hỏi trong trường hợp này chúng tôi có thể áp dụng theo TT200 không cần xuất hóa đơn và hạch toán phần hàng khuyến mãi dược không?
 
➡ Trả lời:
1.   Về hạch toán kế toán đối với hàng khuyến mãi theo chính sách của nhà sản xuất: Đề nghị Quý Độc giả thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3.1.14 Điều 29 của Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Thông tư 200/2014/TT-BTC không quy định về hóa đơn đối với hàng khuyến mại.
 
2.   Về việc xuất hóa đơn đối với hàng khuyến mại: Đề nghị Quý Cục xin ý kiến tham gia của Tổng cục thuế để trả lợi cho độc giả.
 
http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1973955/1973293?m_action=4&p_id=385872
 

3.- [KẾ TOÁN -  TT 200/2014/TT-BTC, các bạn nào còn lấn cấn, chưa thông trong việc ghi nhận vật tư, hàng hóa, TSCD hạch toán thanh toán bằng ngoại tệ] 
 
➡  Hỏi: Kính gửi vụ chế độ kế toán, tôi có 02 câu hỏi xin được yêu cầu giúp đỡ giải thích như sau: 
 
☀ 1.Theo quy định tại điểm 4.1.c, điều 69 thông tư 200/2014/TT-BTC: "...Khi nhận vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ từ người bán, kế toán phản ánh theo nguyên tắc: +... +Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ còn nợ chưa thanh toán tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (ngày giao dịch)..." Công ty tôi là công ty thương mại, có phát sinh các nghiệp vụ nhập khẩu hàng hóa bằng ngoại tệ. Do vậy chúng tôi muốn hỏi về "thời điểm phát sinh giao dịch (ngày giao dịch)" trong nghiệp vụ nhập khẩu ở đây nên được hiểu là ngày trên hóa đơn thương mại( commercial invoice) hay là ngày xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan trên Tờ khai hải quan cho các commercial invoice có ngày hóa đơn khác nhau?và tỷ giá giao dịch thực tế để quy đổi và ghi nhận giá trị hàng nhập khẩu là tỷ giá bán ra của NHTM tại ngày hoán thành thủ tục hải quan hay ngày của hóa đơn thương mại? 
 
☀ 2. Trong trường họp vào thời điểm cuối tháng trước bên bán đã thông báo gửi hàng cho chúng tôi kèm theo hóa đơn thương mại ngày tương ứng nhưng sang tháng sau hàng mới về đến Việt Nam và được hoàn thành thủ tục hải quan thì chúng tôi có được phép ghi nhận trên TK 151 giá trị hàng nhập nếu điều kiện giao hàng là FOB hoặc CIF? Tỷ giá nào sẽ được sử dụng để quy đổi giá trị hàng nhập sang VNĐ?
 
➡ Trả lời:
☀ Nội dung 1: Hiện nay Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam ban hành theo Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính chưa có quy định cụ thể về “Thời điểm phát sinh giao dịch” trong giao dịch nhập khẩu để làm căn cứ xác định tỷ giá hối đoái áp dụng cho nghiệp vụ nhập khẩu bằng ngoại tệ.
 
Trong giao dịch nhập khẩu có thể có nhiều thời điểm có thể coi là “Thời điểm phát sinh giao dịch”, như ngày trên hóa đơn thương mại hay ngày xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan của hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, về nguyên tắc và xét về bản chất chung của nghiệp vụ kinh tế thì trong trường hợp nhập khẩu, doanh nghiệp có thể căn cứ ngày doanh nghiệp chính thức có quyền sở hữu và phải chịu rủi ro, lợi ích gắn liền với quyền sở hữu vật tư, hàng hóa nhập khẩu là “Thời điểm phát sinh giao dịch” để làm căn cứ xác định tỷ giá giao dịch thực tế cho việc ghi sổ kế toán.
 
☀ Nội dung 2: Tại khoản 1, Điều 24, Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định Tài khoản 151 - Hàng mua đang đi đường dùng để phản ánh giá trị của các loại hàng hóa, vật tư (nguyên liệu, vật liệu; công cụ, dụng cụ; hàng hóa) mua ngoài đã thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp còn đang trên đường vận chuyển, ở bến cảng, bến bãi, kho ngoại quan hoặc đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ kiểm nhận nhập kho.
 
Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp vật tư, hàng hóa nhập khấu của doanh nghiệp đã thuộc quyền sở hữu của đơn vị (không phân biệt nhập khẩu theo hình thức FOB hay CIF) mà cần một quá trình vận chuyển mới về đến kho của doanh nghiệp thì việc phản ánh trên Tài khoản 151 - Hàng mua đang đi đường là phù hợp.
 
Việc xác định tỷ giá hối đoái áp dụng cho giao dịch này tương tự như Nội dung 1 nêu trên
 
Link bài viết tại đây: 
 
http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1973955/1973293?m_action=4&p_id=385400


4.-  [KẾ TOÁN - Đối tượng nào áp dụng chế độ kế toán theo TT 200/2014/TT-BTC?] 
 
➡ Hỏi. Kính gửi: Bộ Tài Chính Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp và câu trả lời của Bộ liên quan tới việc DN vừa và nhỏ được áp dụng theo QĐ 48/2006/QĐ-BTC, Tôi muốn hỏi, DN vừa và nhỏ hoàn toàn được phép áp dụng hệ thống Tài khoản theo QĐ 48/2006 (sử dụng các Tài khoản ngắn hạn: 142, 144, 129, 139, 159, 311,..) có đúng không?
 
Điều 128 Thông tư 200/2014 cũng có nêu "Những nội dung tại các Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực kế toán Việt Nam không trái với Thông tư này vẫn còn hiệu lực". Vậy những Tài khoản Thông tư 200/2014 đã thay đổi, thì toàn bộ hệ thống Tài khoản theo QĐ 48/2006 còn áp dụng được không?
 
➡ Trả lời:
Điều 128 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định: “... Thông tư này thay thế cho Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính ...”.
 
Như vậy, quy định trên được hiểu là Thông tư số 200/2014/TT-BTC được thay thế cho Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 244/2009/TT-BTC MÀ KHÔNG THAY THẾ CHO QUYẾT ĐỊNH số 48/2006/QĐ-BTC. Do đó, Chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 138/2011/TT-BTC đến nay vẫn còn hiệu lực áp dụng. Do đó:
 
 - Nếu Công ty của độc giả thuộc đối tượng áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ và không muốn chuyển sang áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC thì không phải áp dụng Thông tư số 200/2014/TT-BTC cho việc ghi sổ kế toán, lập và trình bầy BCTC năm 2015.
 
- Nếu Công ty của độc giả thuộc đối tượng áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng năm 2015 muốn chuyển sang áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC để phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 200/2014/TT-BTC thì phải áp dụng quy định của Thông tư số 200/2014/TT-BTC cho việc ghi sổ kế toán, lập và trình bầy BCTC năm 2015
 
Link bài viết tại đây:
 
http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1973955/1973293?m_action=4&p_id=385809

 
5.-  [KẾ TOÁN -  TT 200/2014/TT-BTC, Có được phép mở thêm tài khoản cấp 2?]
 
➡ Hỏi: Theo thông tư 200 của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp có được mở thêm tài khoản cấp 2 của TK 242 không và có cần văn bản đăng ký không
 
➡ Trả lời:
Tại điểm c, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:
 
“Doanh nghiệp CÓ THỂ MỞ THÊM các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 ĐỐI VỚI NHỮNG TÀI KHOẢN KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp quy định tại phụ lục 1 - Thông tư này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của  doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.”
 
Theo danh mục tài khoản quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Tài khoản 242 không có quy định tài khoản cấp 2 do đó doanh nghiệp được mở thêm tài khoản cấp 2 của tài khoản này mà không cần có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận.
 
Link bài viết tại đây:
 
http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1973955/1973293?m_action=4&p_id=385424

6.- [KẾ TOÁN -  TT 200/2014/TT-BTC, Có được phép sử dụng đồng ngoại tệ để ghi chép sổ sách kế toán?]
 
➡  Hỏi: Kính gửi quý Bộ, tôi có câu hỏi về đơn vị tiền tệ trong kế toán theo TT200. Công ty tôi đang làm việc là công ty 100% vốn nước ngoài. Hiện tại giao dịch chủ yếu của trong việc mua hàng hóa bằng usd, giao dịch bán hàng bằng vnd. Do liên quan đến việc lập báo cáo với công ty mẹ ở nước ngoài nên công ty muốn lựa chọn đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là đồng usd có được không? Chúng tôi phải làm những thủ tục gì để vẫn được sử dụng đồng usd trong kế toán. Rất mong nhận được câu trả lời của quý Bộ. 
 
Trân trọng cảm ơn 
 
➡ Trả lời:
 
Tại khoản 1, Điều 4 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (không cần phải đăng ký với Bộ Tài chính).
 
Việc lựa chọn đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán của doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2, 3, Điều 4 Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
 
Link bài viết tại đây:
 
http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1973955/1973293?m_action=4&p_id=385411
  •  13155
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…