DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

BÀN VỀ THÔNG TƯ SỐ 28/TT-BCA NGÀY 07/7/2014 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN “QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA HÌNH SỰ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN”

 

Mạn phép trích dẫn bài viết của L.S Triển để đông đảo giới luật nắm được:

Cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Thông tư số 28/TT-BCA của Bộ Công an cho chuẩn mực, phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội  phạm; bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho nước nhà./.

 

Lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò tiên phong bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; cánh tay phải đắc lực của Đảng “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”, người bạn của nhân dân “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Thành tích to lớn của lực lượng Công an nhân dân trong tiến trình cách mạng là không thể phủ nhận được. Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới về công tác “Đấu tranh phòng chống tội phạm” và quán triệt nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “Quản lý Nhà nước theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”, ... Từ tổng quan có tính định hướng nêu trên, với thực tại và dự đoán cho tương lai, ... thì mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân (nói chung) và lực lượng làm công tác Điều tra hình sự (nói riêng) phải được quy chuẩn hóa bằng pháp luật.

 

Do đó, tôi đánh giá rất cao động cơ, mục đích, tinh thần trách nhiệm của Bộ Công an ban hành Thông tư số 28/TT-BCA ngày 07/7/2014 “Quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân”. Tuy nhiên, trên phương diện về: xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền và phạm vi điều chỉnh; nội dung, ... của Thông tư nói trên theo nhận thức của cá nhân tôi, thì nhiều vấn đề cần trao đổi, vì có dấu hiệu chưa thật chuẩn xác theo hệ thống văn bản pháp luật thực định; có thể gây xung đột, va chạm, lạm dụng, ... tạo nên hậu quả thiếu lành mạnh trong thực tiễn.

Nội hàm của những lối rẽ không chuẩn xác của Thông tư số 28/TT-BCA của Bộ Công an là:

Thứ nhất:  Trên phương diện xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xem xét:

- Căn cứ Khoản 2 Nghị quyết số 24/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội “Về việc thi hành Bộ Luật tố tụng hình sự; Điều 38 Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự đã quy định rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện. Như vậy, Bộ Công an là tổ chức trong cơ cấu của Chính  phủ có thẩm quyền ban hành Thông tư trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Tuy nhiên, quy định về tổ chức điều tra hình sự thì Cơ quan điều tra không chỉ duy nhất có trong lực lượng Công an nhân dân, mà còn có Cơ quan điều tra trong Quân đội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương và một số Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, ... Do đó, nên chăng cần ban hành Nghị định của Chính phủ về công tác điều tra hình sự thì sẽ bao quát hơn, hiệu lực pháp lý cao hơn và dễ áp dụng thống nhất hơn.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Dự thảo Thông tư được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cơ quan ban hành trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo; dự thảo Thông tư được gửi lấy ý kiến của bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan”. Như vậy, trình tự xây dựng Thông tư trên đã thực hiện đúng quy định này chưa? Tại sao Liên đoàn Luật sư Việt Nam và giới luật sư không biết, dẫn đến tình trạng khi Thông tư được ban hành thì một số tổ chức và nhiều luật sư phản ứng?

- Về điều khoản thi hành được quy định tại Điều 45 Thông tư số 28/TT-BCA: “Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2014, thay thế những quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động điều tra hình sự trong Công an nhân dân trái với Thông tư này”. Vậy thì câu chuyện được đưa ra đàm đạo tại đây là: Thay thế những quy định trước đây là những quy định nào? Trái là trái ở đâu? Cái gì trái? Về nguyên tắc lập pháp và áp dụng pháp luật không thể nêu chung chung như vậy được; giá trị của Thông tư này không chỉ áp dụng duy nhất cho Cơ quan điều tra và điều tra viên trong Công an mà cả bị can, công dân, ... (người bị hại, nguyên đơn dân sự, nhân chứng, ...) để họ hiểu được cái gì thay, cái gì thế, cái gì hợp, cái gì trái, ... và ở các văn bản nào? ... dẫn họ vào rừng xanh không tìm được lối ra. Tôi xin đơn cử chỉ riêng liên quan đến Thông tư này thì trước đây đã có Thông tư số 01/2006/TT-BCA (C11) ngày 12/1/2006 của Bộ Công an; Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 của Bộ Công an, ... chưa nói đến các Nghị định của Chính phủ, Thông tư liên tịch, ... có liên quan đến vấn đề này.

Thứ hai:  Phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 28/TT-BCA có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của Bộ Công an; cụ thể là:

- Tại Khoản 2 Điều 35 Thông tư số 28 quy định: “Giấy triệu tập bị can tại ngoại, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (qua Công an xã, phường, thị trấn) nơi người bị triệu tập cư trú hoặc Cơ quan, tổ chức nơi quản lý người bị triệu tập để Cơ quan này chuyển đến cho họ”. Đây là việc Cơ quan Công an giao thêm việc cho chính quyền cấp phường, xã, thị trấn trái với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Về phương diện tâm lý, người làm chứng bị gửi giấy triệu tập của Cơ quan điều tra về Ủy ban phường, xã, thị trấn hoặc Cơ quan, ... thì họ có muốn làm chứng các vụ án không? Hay là lảng tránh đi kẻo bị phiền toái! Hậu quả về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ bị hạn chế.

- Tại Khoản 1 Điều 42 Thông tư số 28/TT-BCA quy định phối hợp với Điều tra viên theo dõi người bị tạm giữ, tạm giam trong khu vực Trại tạm giam. Đây là quy định trái với Nghị định của Chính phủ về công tác tổ chức, quản lý trại tạm giam. Nếu quy định như Thông tư số 28 thì Điều tra viên có quyền đi lại tự do ở mọi nơi trong khu vực trại, có quyền theo dõi trong phòng giam, ... có quyền lập biên bản với trại, ... đưa Điều tra viên vượt cả quyền của lãnh đạo Trại tạm giữ, tạm giam và cả chức năng kiểm sát giam giữ của Viện Kiểm sát.

- Điều 36 của Thông tư số 28/TT-BCA quy định quan hệ của Điều tra viên với Viện Kiểm sát và Kiểm sát viên trong hoạt động điều tra. Đây là nội dung quy định cho phép Cơ quan điều tra và Điều tra viên có vị trí trên tất cả các Cơ quan tiến hành tố tụng; vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Cơ quan điều tra trên cả quyền Cơ quan kiểm sát điều tra. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 36: “Nếu yêu cầu điều tra của Viện Kiểm sát không thống nhất với ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra thì điều tra viên có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra”. Tại Khoản 4 điều này quy định: “Trong quá trình tiến hành điều tra vụ án, nếu phát hiện những dấu hiệu hoặc việc làm không đúng quy định pháp luật của Kiểm sát viên thì Điều tra viên kịp thời báo cáo bằng văn bản với Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng điều tra biết để xử lý theo quy định của pháp luật”.

- Điều 43 của Thông tư số 28/TT-BCA quy định trách nhiệm của Điều tra viên trong việc theo dõi quá trình xét xử vụ án hình sự của Tòa án: “Khi vụ án được đưa ra xét xử, trường hợp xét thấy cần thiết thì Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra trao đổi với Tòa án để gửi giấy mời dự phiên Tòa cho Điều tra viên (thụ lý chính). Điều tra viên (thụ lý chính) có trách nhiệm theo dõi diễn biến và kết quả xét xử của Tòa án và báo cáo kịp thời với Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra để chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong quá trình xét xử”. Đây là quy định hết sức kỳ lạ và phản cảm, vì: Tòa xử công khai (trừ vụ án xử kín theo quy định của pháp luật), Cơ quan điều tra muốn theo dõi thì cử Điều tra viên đến Tòa, sao lại có thủ tục Tòa gửi giấy mời? Việc này có tác động đến nguyên tắc: “Độc lập xét xử” của Tòa án; sự có mặt của Điều tra viên sẽ làm ảnh hưởng đến tính trung thực trong lời khai của bị can, bị cáo nếu như quá trình điều tra bị can bị bức cung, mớm cung, dụ cung. Quá trình điều tra đã thu thập đánh giá đầy đủ chứng cứ; nếu thiếu sót, chưa đầy đủ, ... thì giải quyết theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Tại sao đến thời điểm xét xử còn theo dõi, diễn biến và kết quả xét xử của Tòa án và báo cáo kịp thời với Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra để chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong quá trình xét xử? Tôi cho rằng đây là quy định mới tại Thông tư số 28/TT-BCA về tố tụng hình sự “độc nhất vô nhị” trên thế giới này!

Thứ ba:  Điều 38 của Thông tư số 28/TT-BCA quy định trách nhiệm của Điều tra viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên  pháp lý.

- Đây là quy định vượt thẩm quyền của Bộ Công an vì Luật sư hoạt động theo quy định tại Điều 31, Điều 103 Hiến pháp 2013; Điều 56,57,58 Bộ Luật tố tụng hình sự; Luật Luật sư; Luật Trợ giúp pháp lý; Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam; Điều lệ Đoàn luật sư Tỉnh, Thành phố; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; ... Các hành vi bị nghiêm cấm đối với luật sư đã được thể hiện đầy đủ tại Khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư. Bộ Công an không phải là Cơ quan quản lý Nhà nước đối với Luật sư nên nội dung đề cập tại Điều 38 Thông tư số 28/TT-BCA là không đúng thẩm quyền.

- Mặt khác, quy định tại Điều 56,57,58 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định mối quan hệ giữa Luật sư với Cơ quan tiến hành tố tụng, không quy định quan hệ với cá nhân được phân công tiến hành tố tụng. Vì vậy, Thông tư số 28/TT-BCA chia cắt đặt mối quan hệ giữa Điều tra viên với Luật sư là không được phép.

- Một trong những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là: “Quyền lực hạn chế quyền lực”; đồng thời Khoản 2 Điều 9 Luật Luật sư quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư”. Từ đây, thử đặt giả thuyết rằng (trong thực tiễn đã diễn ra quá nhiều) : Cơ quan điều tra và Điều tra viên có hành vi cản trở hoạt động nghề nghiệp của Luật sư; không cấp chứng nhận người bào chữa theo đúng thời gian quy định; không thông báo lịch xét hỏi bị can cho Luật sư; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục tố tụng; bức cung, mớm cung, dụ cung; làm sai lệch hồ sơ vụ án; không sao cấp tài liệu tố tụng và kết luận điều tra cho Luật sư; không khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà Luật sư có đủ bằng chứng hoặc theo tiền lệ án là phải khởi tố; ghi lời khai không đúng; ... bắt ép, đe dọa, khuyên dụ bị can hoặc thân nhân không mời Luật sư; đe dọa Luật sư hoặc có lời nói, hành động không đúng với Luật sư; kết luận điều tra không đúng; ... Muôn vàn ngàn dặm những yếu tố nói trên không kể xiết trong thực tiễn thì Luật sư có được lập biên bản (buộc Điều tra viên và Cơ quan điều tra phải ký), có được ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở gây khó khăn cho hoạt động của Luật sư không? Khi Luật sư kiến nghị xử lý thì ai xử lý? Xử lý như thế nào với Điều tra viên, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra?

- Điều lạc lối trong quy định tại đây là: Nếu giả sử rằng Luật sư khiếu nại hoặc kiến nghị về việc sai phạm của Điều tra viên thì Thông tư lại cho phép chính Điều tra viên được lập biên bản để xử lý Luật sư? Thế nào là bí mật? Bí mật cái gì phải được quy định rõ! Cung cấp tài liệu sai sự thật – nếu vậy có tài liệu cung cấp cho Điều tra thì Luật sư phải trưng cầu giám định thật hay giả rồi mới cung cấp sao? Tôi thật sự không hiểu nổi bởi đây là một văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an chỉ quy định một chiều trao quyền cho cán bộ điều tra thuộc quyền quản lý của mình. Nếu không thay đổi dẫn đến lợi dụng, lạm quyền và ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta; nhân quyền không được bảo đảm.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành với ý thức xây dựng mong được các Cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Thông tư số 28/TT-BCA của Bộ Công an cho chuẩn mực, phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội  phạm; bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho nước nhà./.

 

Tiến sỹ, Luật sưTRẦN ĐÌNH TRIỂN

(Luatvidan)

 

  •  6756
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…