Nạn bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng không phải là mới xuất hiện ngày một ngày hai. Vấn nạn này đã có từ rất lâu về trước và Luật Hình sự Việt Nam cũng có những chế tài nghiêm khắc cho loại tội phạm này.

Tuy nhiên, gần đây, dư luận xôn xao vì vấn nạn này xuất hiện công khai trở lại và gây ra nhiều vụ việc đau lòng. Mặc dù biết được hậu quả phải gánh chịu nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ nhưng những đối tượng phạm tội này vì món lợi nhuận béo bở nên vẫn tiếp tục mở rộng đường dây, thực hiện hành vi phạm pháp. Sau đây, căn cứ vào luật hình sự Việt Nam, chúng ta đi phân tích cụ thể cấu thành và hình phạt cho loại tội phạm này.

Với hành vi bắt cóc trẻ em, sau đó giết hại nhằm mục đích lấy nội tạng sẽ cấu thành tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 BLHS hiện hành với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em và để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; loại tội phạm này thường có thêm tình tiết tăng nặng nữa là phạm tội có tổ chức, giết nhiều người và thực hiện tội phạm một cách man rợ. Sau đây là các yếu tố cấu thành loại tội phạm này:

− Mặt chủ quan: đây là lỗi cố ý, hung thủ biết hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện và mong muốn chúng xảy ra để đạt được mong muốn là lấy được bộ phận của nạn nhân.

− Mặt khách quan: xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác.

− Khách thể: Có hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật. Có hậu quả xảy ra làm nạn nhân chết. Và có mối quan hệ nhận quả giữa hành vi và hậu quả.

− Chủ thể: các đối tượng phạm tội thỏa mãn điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 BLHS. Đây là tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên đối tượng thực hiện chỉ cần đủ14 tuổi trở lên là đã phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Về tình tiết tăng nặng:

  • Giết trẻ em: Giết trẻ em là trường hợp người phạm tội đã cố ý tước đoạt tính mạng của trẻ em. Theo Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em. Giết trẻ em được coi là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự, không chỉ xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn bảo vệ những người không có khả năng tự vệ. Việc xác định tuổi của người bị hại, xác định là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc của cơ quan tiến hành tối tụng. Phạm tội đối với trẻ em nói chung và giết trẻ em nói riêng không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội mà là tình tiết khách quan, do đó không cần người phạm tội phải nhân thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là tình tiết tăng nặng, mà chỉ cần xác định người mà người phạm tội xâm phạm là trẻ em thì người phạm tội đã bị coi là phạm tội đối với trẻ em.
  • Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Đây là trường hợp giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thay thế hoặc để bán cho người khác dùng vào việc thay thế bộ phận đó.
  • Có tổ chức: Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người. Những vụ việc như này thường hình thành đường dây, có sự phân công rõ ràng với từng công việc, từ việc dụ dỗ, bắt cóc, đến giết hại và bán nội tạng nạn nhân.
  • Giết nhiều người: Giết nhiều người là trường hợp người phạm tội  có ý định giết từ hai người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra. Thường hành vi bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng sẽ diễn ra theo đường dây, có tổ chức, thực hiện mới quy mô chứ không đơn lẻ. Vậy nên thường sẽ có nhiều trẻ em là nạn nhân của chúng.
  • Thực hiện một cách man rợ: Tính chất man rợ của hành vi giết người thể hiện ở chỗ, làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết như: mổ bụng, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, xẻo thịt, lột da, …Các hành vi này, người phạm tội  thực hiện trước khi tội phạm hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân bị chết. Thông thường, đối tượng phạm tội chỉ thực hiện việc lấy nội tạng sau khi nạn nhân chết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì một số lý do nhất định đã tiến hành khi nạn nhân chưa chết. Khi đó, hành vi phạm tội sẽ có thêm tình tiết tăng nặng này.

Và với tính tiết tăng nặng như vậy, người phạm tội có thể nhận bản án với hình phạt là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ tham gia phạm tội của từng người và từng vụ án khác nhau.