DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

10 chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 8/2015

Đầu tháng 8/2015, nhiều chính sách mới đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, tiền lương, tài chính nhà nước, giao thông vận tải và xuất nhập khẩu….bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể:

1. Sách nhiễu với dân sẽ bị đánh giá vào loại không hoàn thành nhiệm vụ

Quy định này áp dụng với việc phân loại và đánh giá viên chức, theo đó, từ ngày 01/8/2015, để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức cần phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nhất định và có 4 mức đánh giá: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - Hoàn thành tốt nhiệm vụ - Hoàn thành nhiệm vụ - Không hoàn thành nhiệm vụ.

Viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, gây phiền hà, sách nhiễu với dân đến mức phải xử lý kỷ luật sẽ bị xếp vào loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là quy định tại Nghị định 56/2015/NĐ-CP.

Xem chi tiết hướng dẫn đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức tại đây.


2. “Nấu cháo” điện thoại cơ quan nhà nước phạt đến 2 triệu đồng

Nhằm mục đích phòng, chống việc sử dụng tài sản công lãng phí, từ ngày 01/8/2015, bổ sung nhiều mức phạt trong việc sử dụng lãng phí tài sản công. Cụ thể:

Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 58/2015/NĐ-CP.


3. Từ 01/8/2015, người nước ngoài được phép mang ô tô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch

Quy định này được đề cập tại Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 01/8/2015, người nước ngoài được phép mang ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái vào Việt Nam với mục đích du lịch.

Lưu ý: việc sử dụng loại xe này chỉ dành cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch.


4. Được miễn, giảm thuế TNDN nếu tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn

Chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước là một trong những mục tiêu hàng đầu của Nhà nước. Nhằm khuyến khích toàn dân sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước, Chính phủ đề ra những ưu đãi đặc biệt cho các đối tượng thực hiện chính sách tiết kiệm này. Cụ thể:

Tổ chức thực hiện việc tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn theo Nghị định 54/2015/NĐ-CP sẽ được ưu đãi sau:

- Được vay vốn ưu đãi theo quy định pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Được miễn, giảm thuế TNDN theo quy định pháp luật về thuế.

Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.


5. Sửa đổi quy định bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho công chứng viên

Theo Thông tư 06/2015/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/8/2015 , công chứng viên đang hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tối thiểu 3 ngày làm việc/năm (tương đương 24 giờ/năm).

Sẽ miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm trong trường hợp đã tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp, tham gia giảng dạy tại một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm hoặc tham gia một khóa bồi dưỡng nghề công chứng ở nước ngoài trong năm đó.

Đồng thời, Thông tư 06/2015/TT-BTP còn quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng viên hàng năm bao gồm:

- Hội công chứng viên; trường hợp địa phương chưa thành lập Hội công chứng viên thì Sở Tư pháp thực hiện bồi dưỡng.

- Học viện Tư pháp.


6. Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

Để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

- Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật công nghệ cao 2008

- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.

- Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%; đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.

- Số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%. 

Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.

Đó là nội dung được quy định tại Quyết định 19/2015/QĐ-TTg  có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.


7. Miễn thuế TNDN cho văn phòng thừa phát lại

Cụ thể, theo Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN có hiệu lực từ ngày 06/8/2015, Văn phòng thừa phát lại trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự được miễn thuế TNDN.

Lưu ý: Các khoản thu nhập từ các hoạt động khác ngoài hoạt động thừa phát lại sẽ không được miễn thuế TNDN.

Xem chi tiết các điểm mới của Thông tư 96/2015/TT-BTC tại đây.


8. Phải trả lương cho người lao động ngay trong tháng làm việc

Đó là nội dung tại Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiền lương theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/08/2015. Theo đó:

- Tiền lương của người lao động được trả tháng 01 lần hoặc nửa tháng 01 lần và phải được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc.

- Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.

Ngoài ra, Thông tư này cũng hướng dẫn cụ thể về cách tính tiền lương làm thêm giờ, làm thêm giờ vào ban đêm…Xem chi tiết tại đây.


9. Danh mục mới về hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam

Từ ngày 15/8/2015, các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu vào Việt Nam sẽ áp dụng theo danh mục ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC.

Tại Thông tư này, ngoài việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam còn kèm theo 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới.


10. Hướng dẫn chế độ BHYT cho người tham gia nhiễm HIV

Các khoản quỹ BHYT chi trả khi người sử dụng dịch vụ liên quan đến HIV:

- Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

- Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả.

- Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

- Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

- Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn).

- Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả).

- Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 15/2015/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/8/2015.

  •  9905
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…